Khi trong nhà có người tắt thở, người nhà sẽ tắm nước thơm, gội đầu và thay quần áo cho người chết. Thường người ta sẽ mặc áo trắng ở trong, áo đen ra ngoài, rồi đặt người quá cố xuống đệm và lấy vải trắng cuốn quanh người, vải đỏ phủ lên trên. Sau đó, họ lấy một ít đồng bạc trắng cho vào tay người chết, làm như vậy khi lên trời họ sẽ có chút tiền để tiêu.
Anh Lò Văn Hoàn, Phòng Nghiên cứu Sưu tầm, Bảo tàng tỉnh Điện Biên, cho hay, ngay sau khi thực hiện các thủ tục cho người chết, gia đình sẽ báo cho anh em, họ hàng biết và cử người đi bắt một con chó.
“Có gia đình người ta để luôn cả đầu, nhưng đối với gia đình không có điều kiện, khó khăn quá thì người ta cắt hai cái tai, ở đầu mũi chó xiên một cái dây lạt với 4 cái chân, mang lên chỗ chân quan tài báo: đây nhớ, con chó giao cho nhớ. Tức là quan niệm của họ, chó để dẫn đường. Chó để xua đuổi ma tà, ma đương nhiên sợ chó. Vừa để lên đến nơi chó lại trông nhà”.
Một đám tang của người Thái ở Tây Bắc. Ảnh: IE |
Sau khi tắm rửa, thay áo cho người quá cố, đặt vào quan tài, người trong gia đình sẽ mổ một con vịt, chặt lấy đầu, lấy hai cánh và hai chân buộc lại đặt cạnh người chết. Đồng bào quan niệm khi lên mường trời, người chết phải đi qua sông và con vịt sẽ giúp cho người đó đi một cách suôn sẻ.
Anh Hoàn phân tích người Thái quan niệm con sông người chết phải đi qua khi lên Mường trời là dải ngân hà. Đó là một dòng sông lớn, là ranh giới giữa người sống và người chết. “Con vịt sẽ là cái thuyền để đưa họ qua sông. Những cái đấy là rất quan trọng. Ông mo sẽ báo cho linh hồn người quá cố biết, cả con vịt sẽ báo cho”.
Trâu để chia của
Đặc biệt, theo anh Lò Văn Hoàn, ngày trước, đối với những gia đình có điều kiện, người ta phải tổ chức cúng trâu cho người chết với ngụ ý trần sao âm vậy, mong cho người chết về thế giới bên kia cũng có cuộc sống đủ đầy, có trâu mà cày ruộng. Đây cũng là cách để người chết có thể đầu thai ở kiếp sau, đồng bào Thái tin như vậy. Vì thế, ở nhà mồ người ta thường đặt sừng trâu. Nhưng con trâu ấy khi cúng cho người chết phải trải qua các bước rất quy củ.
“Người ta dắt con trâu về dưới gầm sàn, nơi của người quá cố. Sau đó, buộc một sợi chỉ nối từ quan tài người chết xuống chỗ con trâu, chạm vào và báo. Mỗi một người Thái già cả, ốm yếu, qua đời, mơ ước sẽ có một con trâu để sang bên kia làm ăn, cày bừa. Tục này giờ vẫn còn. Ước vọng của người sắp chết, người ta dặn con cái: “Thôi đời tao đã nghèo quá rồi, thì chúng mày cũng cố gắng cho tao cái đầu trâu”. Nhưng bây giờ thì cải biên đi rất nhiều, có thể không phải mổ con trâu nữa, có thể đặt với người mổ trâu mua một đầu trâu”.
Con trâu mổ ra thịt chiêu đãi anh em, bạn bè, chòm xóm, còn đầu trâu giữ lại. Để làm gì? Người ta lọc da, lấy thịt để lại khung xương và mắt con trâu đặt ở trước nhà mồ, ngay dưới chân mộ với ngụ ý rằng từ nay người chết đã có trâu cày, không được tìm về đòi người thân nữa!
Anh Hoàn bảo, ngôi nhà mồ được người Thái dựng rất đơn giản, sơ sài. Sau 3 năm, ngôi nhà mồ đó vẫn không đổ, điều đó đồng nghĩa với việc có điềm báo sẽ gặp điều chẳng lành. Khi đó, người Thái Đen sẽ làm gì?
“Nói theo câu chuyện của các cụ thôi là có thể người đấy chưa muốn chết hoặc bị chết oan, hay là như thế nào đấy. Người đấy còn lưu luyến với gia đình, linh hồn chưa siêu thoát có thể vẫn ở trong nhà. Cho nên, gần đến 3 năm thấy không đổ, người ta phải buộc trâu vào để nó giật đổ đi. Cho nên người ta làm đơn giản, sơ sài thôi, mối nó xông, gió to là nó đổ thôi mà. Nhưng đúng phải có những ngôi mộ phải giật đổ đấy”.
Lấy lợn làm hiếu
Ngoài con chó, con vịt và trâu, các con, anh em họ hàng, người trong bản đến phúng viếng thường mang theo 1 con lợn, coi như quà tặng cho người quá cố mang theo về thế giới tổ tiên. Vì thế, bà Lò Thị Phớ, ở phường Chiềng Lề, TP. Sơn La nói đám ma của người Thái vô cùng tốn kém, có những đám bà chứng kiến, người chết được phúng hàng chục con lợn to.
“Cách đây 2 – 3 năm, anh trai thứ nhất, anh trai thứ hai của chồng bác mất, mỗi anh trai bác đếm là phải 20 con lợn. Chỉ sáng ra một ngày thứ nhất thì người ta để đấy báo cho anh em họ hàng đến. Ngày thứ hai chỉ có làm cơm. Hết người này đến người kia, bác ngồi đấy mà nhức hết cả đầu. Mùi hương với mùi con lợn họ đến làm ma cho ấy”.
Con lợn đem phúng tầm khoảng 10 cân, giờ có đến 30 – 40 cân là ít. Nếu gia đình không khá giả, có thể 2 – 3 nhà cùng chung nhau. Đồng bào Thái quan niệm, trước khi đem người chết ra nhà mồ, phải làm một bữa cơm cho người chết, thế mới đầy đủ nghĩa tình. Con lợn mổ ra, đặt lên mâm, bày thêm rượu, bánh, hoa quả và đặt trước quan tài. Thầy mo làm lễ, giao từng mâm cúng cho người chết. Con cái, họ hàng người chết sẽ cúng trước, sau đó bạn bè, xóm làng theo thứ tự cúng sau.
“Làm mâm cơm thắp hương cho họ, khắc có thầy mo cúng: đây nhớ, con lợn này là con lợn vào quan tài nhớ. Người ta gọi bữa vào quan tài. Ý nghĩa của việc đưa con lợn là làm bữa cho ăn, thể hiện mình cũng có tình cảm với người đấy. Mình báo hiếu với họ là mình nấu cơm. Ngoài con lợn phải có cơm, rượu, bánh, hoa quả, thành một mâm, bê lên, thế là cúng”.
Lợn mổ ra, một nửa nhà đám giữ lại làm cỗ, một nửa biếu cho người đến phúng mang về, coi như một phần quà đáp lễ, tri ân của nhà đám. Phong tục đó, bao đời nay người Thái vẫn giữ.