Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Trong ngày 12/3/2022, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 195.000 ca, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 35.949 ca, Sở Y tế Hưng Yên đăng ký bổ sung 33.760 ca và Sở Y tế Phú Thọ đăng ký bổ sung 20.784 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Cũng trong ngày 12/3 có ba địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó là Gia Lai (3.107 ca), Hà Giang (1.971 ca), Phú Thọ (864 ca). Riêng thành phố Hà Nội vẫn giữ con số trên 30.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Tính từ 16 giờ ngày 11/3 đến 16 giờ ngày 12/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 168.719 ca mắc mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 168.704 ca ghi nhận trong nước (giảm 386 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 116.648 ca trong cộng đồng).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 84.811 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 3.068.033 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.934 ca. Số bệnh nhân tử vong là 62 ca tử vong, trong đó Hà Nội nhiều nhất với 10 ca, các địa phương còn lại từ 1-4 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 81 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.290 ca, chiếm 0,7% so với tổng số ca mắc.
Ngày 12/3/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn số 1195/BYT-DP về việc tăng cường tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, trong đó đẩy mạnh và thần tốc hơn vữa việc triển khai tiêm chủng mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo đến hết Quý I/2022 phải bao phủ mũi 3 cho những người đã đến lịch tiêm chủng.
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 đến chiều 12/3, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm ở nước ta là gần 200 triệu liều. Hầu hết các địa phương đã cơ bản đã hoàn thành tiêm chủng 2 liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên và đang triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.
Do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu. Vì vậy việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu….
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát và lập danh sách đối tượng từ 12 tuổi trở lên chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đủ liều cơ bản để khẩn trương tiêm đủ liều vaccine, đảm bảo độ bao phủ vaccine cao; đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc triển khai tiêm chủng mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo đến hết quý I/2022 phải bao phủ mũi 3 cho những người đã đến lịch tiêm chủng.
Trong ngày 12/3, Hà Nội ghi nhận 30.693 ca F0, trong đó có 10.779 ca tại cộng đồng; 19.914 ca đã cách ly. Cộng dồn số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 782.289 ca. Theo số liệu phân tích của Sở Y tế Hà Nội, biến thể phụ BA.2 (chủng Omicron) chiếm ưu thế trong các ca F0 tại Hà Nội, với tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, bệnh nhân ở tầng 2, tầng 3 có chiều hướng giảm nên những ngày qua, tỷ lệ ca F0 nhập viện chỉ chiếm 1-1,5%.
Bác sỹ Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bắt đầu từ tháng 3, số bệnh nhi đến khám tại bệnh viện tăng lên, kéo theo đó nhiều trẻ nghi ngờ mắc COVID-19 tăng theo. Theo đó, mỗi ngày có 400 - 500 trẻ nghi ngờ mắc COVID-19 cần sàng lọc, trong đó có khoảng 80% trẻ mắc COVID-19.
Ngày 12/3, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi tới bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) về việc sẵn sàng thu dung điều trị trẻ em mắc COVID-19 tại các bệnh viện.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, những ngày gần đây, trên địa bàn thành phố ghi nhận số lượt trẻ em đến khám tại các bệnh viện nhi do nghi ngờ mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng. Để chủ động ứng phó với tình hình này, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện, gồm Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh tăng số giường điều trị tại khoa COVID-19 lên tối thiểu 300 giường (trong đó có 50 giường hồi sức); Đảm bảo công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn, các bệnh viện nhi tiếp tục tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và điều trị trẻ em mắc COVID-19 theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em của Bộ Y tế cho các bệnh viện theo cụm điều trị đã được phân công.
Bên cạnh đó, giám đốc các bệnh viện này phải chịu trách nhiệm quyết định cho bệnh nhi mắc COVID-19 điều trị nội trú tại khoa COVID-19 hoặc phòng cách ly tại các khoa lâm sàng khác tùy theo tình trạng bệnh lý của trẻ và phải đảm bảo công tác phòng chống lây nhiễm. Cùng với đó, các bệnh viện nhi tại thành phố sẵn sàng thu dung, điều trị các trường hợp trẻ mắc COVID-19 mức độ trung bình và mức độ nhẹ đối với các trẻ không đủ điều kiện cách ly tại nhà; Rà soát, chủ động chuẩn bị cơ số giường nội trú ở khu vực điều trị COVID-19 (tối thiểu 30%-50% tổng số giường) dành để điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 tại bệnh viện.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng lưu ý các bệnh viện này chỉ chuyển tuyến trong các trường hợp trẻ có dấu hiệu chuyển nặng, hội chẩn với bệnh viện nhi tuyến trên trước khi chuyển viện; Tăng cường công tác hội chẩn từ xa, trao đổi chuyên môn, chuyển tuyến theo đúng cụm điều trị đã được phân công…
PV