Đắk Nông: Đề nghị Công an điều tra việc nước suối gần trại lợn ô nhiễm bất thường

Nước suối màu đen kịt, sủi bọt nghi do nước thải từ các trang trại chăn nuôi lợn. Ảnh: TTXVN phát
Nước suối màu đen kịt, sủi bọt nghi do nước thải từ các trang trại chăn nuôi lợn. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 24/8, ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông xác nhận, UBND huyện đã đề nghị lực lượng Công an vào cuộc xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định vụ việc nước suối “đổi màu” tại xã Ea Pô.

Đắk Nông: Đề nghị Công an điều tra việc nước suối gần trại lợn ô nhiễm bất thường ảnh 1Người dân thôn Nam Tiến, xã Ea Pô (Cư Jút, Đắk Nông) rất bức xúc và lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe khi nước suối bị ô nhiễm. Ảnh: TTXVN phát

Trước đó, nhiều hộ dân tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô phản ánh, dòng nước suối Đá Bàn trong thôn bị đổi màu đen và bốc mùi hôi thối. Người dân cho rằng nước “đổi màu” là do các trang trại nuôi lợn phía trên xả chất thải trong quá trình chăn nuôi ra môi trường. Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, UBND huyện Cư Jút đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Ea Pô, kiểm tra thực tế và lấy mẫu gửi cho Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông phân tích, xác định nguyên nhân.

Cũng theo UBND huyện Cư Jút, phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực suối Đá Bàn là khá nghiêm trọng. Khu vực này có một số trang trại chăn nuôi lợn nên việc điều tra, xác minh rõ nguồn gốc chất thải, nguyên do nước suối bị “đổi màu” rất cần thiết để làm cơ sở xử lý.

Đắk Nông: Đề nghị Công an điều tra việc nước suối gần trại lợn ô nhiễm bất thường ảnh 2Nước suối màu đen kịt, sủi bọt nghi do nước thải từ các trang trại chăn nuôi lợn. Ảnh: TTXVN phát

Xã Ea Pô là địa phương có hàng chục trại chăn nuôi lợn. Thời gian qua, người dân địa phương đã có nhiều phản ánh về mùi hôi, nước thải từ các trang trại này phát tán ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, vào tháng 1/2023, UBND tỉnh Đắk Nông đã xử phạt 4 chủ trang trại chăn nuôi lợn tại xã Ea Pô, tổng số tiền gần 800 triệu đồng do một số vi phạm liên quan tới hệ thống xử lý nước thải. Các trang trại này đều được xây dựng tại thôn Nam Tiến, xã Ea Pô, quy mô chăn nuôi hàng nghìn con mỗi lứa (đợt).

Hưng Thịnh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm