Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn cho biết, UBND tỉnh vừa ban hành “Bộ quy tắc ứng xử Người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách”.
Bộ quy tắc quy định cách ứng xử ở từng địa điểm, khu vực như: tại vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; tại khu vui chơi, giải trí, điểm di tích, tham quan, du lịch; tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; tại thư viện, bảo tàng, trường học; tại bến xe, nhà chờ xe buýt, nhà ga cảng hàng không, trên các phương tiện công cộng. Ngoài ra, bộ quy tắc còn quy định cách ứng xử trên không gian mạng; ứng xử trong cộng đồng dân cư; tôn trọng và bảo vệ môi trường sống.
Tại khu vui chơi, giải trí, điểm di tích, tham quan, du lịch, bộ quy tắc định hướng cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có thái độ thân thiện, niềm nở, nhiệt tình và mến khách; tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán, nội quy của điểm đến; bảo vệ cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường, cung cấp các dịch vụ có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Đồng thời, các cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn, niêm yết và bán đúng giá đã công khai; không gây hình ảnh phản cảm, ấn tượng xấu tới du khách; không tranh giành, chèo kéo du khách…
Trên không gian mạng, bộ quy tắc định hướng cá nhân, tổ chức và người thân sử dụng mạng xã hội phù hợp, hiệu quả, đúng pháp luật; sử dụng, chia sẻ những thông tin có nguồn gốc chính thống, đáng tin cậy. Khuyến khích cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa của Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Đồng thời, bộ quy tắc khuyến khích cá nhân, tổ chức giải quyết bất đồng trên mạng xã hội hài hòa, tế nhị, phù hợp; không đăng tin, clip, hình ảnh phản cảm, không tung tin giả, tin sai sự thật, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực…
Tỉnh Đắk Lắk có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không tương đối hoàn chỉnh; cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, đa dạng, đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, hệ thống thác ghềnh hùng vĩ. Trên địa bàn tỉnh có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh. Đặc biệt, tỉnh có sự đa dạng về bản sắc văn hóa truyền thống với 49 dân tộc cùng sinh sống. Văn hóa mẫu hệ, văn hóa cộng đồng, văn hóa nhà dài, văn hóa ẩm thực, hội voi, Lễ hội văn hóa cồng chiêng, Lễ cúng bến nước, Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột… đã trở thành những nét văn hóa đặc sắc, nổi bật của tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk còn là “Thủ phủ Cà phê Việt Nam”, là điểm đến của cà phê thế giới, văn hóa cà phê đã và đang được xây dựng, hình thành là thế mạnh của tỉnh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Do đó, theo ông Đặng Gia Duẩn, việc ban hành “Bộ quy tắc ứng xử Người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện - Mến khách” là cần thiết. Bộ quy tắc là những quy định mang tính chuẩn mực nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh, thân thiện, mến khách của người dân Đắk Lắk. Việc ban hành, triển khai bộ quy tắc nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về ứng xử, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; từng bước tạo niềm tin, sự hòa đồng, thân thiện, mến khách của người dân Đắk Lắk đối với khách đến sinh sống, học tập, tham quan, du lịch; góp phần thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
Trước đó, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai áp dụng hai bộ quy tắc ứng xử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là: Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch và Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình. Việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử đã giúp đội ngũ làm công tác du lịch của tỉnh chuyên nghiệp hơn; người dân, du khách tại các điểm du lịch có ý thức hơn trong ứng xử; tình trạng bạo lực gia đình giảm đáng kể.
Hoài Thu