Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu, cùng với sự phát triển chung của xã hội, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trên địa bàn. Một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc như trang phục, nếp sống văn hóa - văn nghệ dân gian, phong tục tập quán... đang bị pha tạp và dần mai một. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian, một số nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hàng ngày bị thất truyền...
Nghi thức Xin dâu của người Mông của huyện Sìn Hồ (Lai Châu) trong Ngày hội văn hóa các dân tộc ở Lai Châu. Ảnh: Quang Duy |
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Để thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc thiểu số, tỉnh Lai Châu tiếp tục đề ra các giải pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, phong tục tốt đẹp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tích cực; đồng thời coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc, khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ngoài ra, tỉnh cũng luôn tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian...
Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu khuyến khích duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đời sống văn hóa người dân; khơi dậy sức sáng tạo trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới; giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình, làng, bản, khu phố, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Tại huyện Than Uyên, cứ mỗi dịp lễ, tết, các bản làng rộn rã tiếng đàn tính tẩu, tiếng chiêng, tiếng trống tươi vui và những điệu xòe hoa rực rỡ. Những chàng trai tay vác khèn, các cô gái xúng xính trong bộ váy rực rỡ đủ sắc màu xuống phố tìm bạn; với ông bà già vai mang lu cởi đựng nông sản xuống chợ bán và mua sắm. Khắp bản trên, mường dưới, những ngôi nhà sàn, nhà kiên cố mọc lên nhiều hơn, kinh tế ngày càng phát triển, người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng giữ gìn, phát huy như: Trang phục, nhà sàn của người Thái, người Mông, nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đàn tính - hát then, múa xòe, lễ hội xòe chiêng đầu xuân; lễ cấp sắc, lễ hội tết cổ truyền dân tộc Mông...
Bà Hoàng Thị Liễu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Than Uyên cho biết: Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng (gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể) của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Các lễ hội dân gian mang đậm sắc thái văn hóa, tâm linh của dân tộc trên địa bàn huyện được khôi phục như: Lễ cấp sắc (dân tộc Dao); lễ cầu phúc, cầu thọ (dân tộc Mông); lễ cúng bản, hội xòe chiêng (dân tộc Thái); Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh, đoan ngọ, rằm tháng bảy… Đây là tâm điểm của sinh hoạt cộng đồng, khắc họa đậm nét ước vọng chinh phục thiên nhiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, bản làng yên ấm, con người khỏe mạnh, vạn vật sinh sôi. Thông qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử, tổ chức lễ hội, xây dựng văn bản, đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận các di tích văn hóa. Mỗi năm, Phòng Văn hóa phối hợp với cơ sở tổ chức 15 đến 20 chương trình văn hóa văn nghệ. Các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được chú trọng khai thác phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân.
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó công tác bảo tồn và phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số được tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm. Tỉnh Lai Châu đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch sưu tầm, khảo sát, nghiên cứu, phục dựng bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn liền với xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; thực hiện tốt phương châm “xây” đi đôi với “chống”, trong đó lấy “xây” làm chính.
Gìn giữ, bảo tồn và phát huy các nét đẹp, giá trị văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số, tỉnh Lai Châu đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, đời sống tín ngưỡng tâm linh, giao lưu văn hóa tinh thần của người dân, góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, thúc đẩy phát triển tiềm năng du lịch tỉnh Lai Châu.
Việt Hoàng
TTXVN