Công nhân công ty cà phê Thắng Lợi phân loại thu hái cà phê chín đợt 1 niên vụ 2017 - 2018. Ảnh: Phạm Cường -TTXVN |
Diện tích cà phê giảm chủ yếu là những diện tích nằm ngoài vùng quy hoạch, ở những địa bàn có độ dốc lớn (trên 15 độ), không chủ động được nguồn nước, những vùng đất không thích hợp…nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém để chuyển sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Các địa phương có kế hoạch giảm diện tích cà phê nhiều nhất là huyện Ea H’leo giảm 4.853 ha, Kroong Năng, giảm 3.439 ha, Cư M’gar giảm 3.075 ha, Ea Kar giảm 2.042 ha…
Mặc dù diện tích cà phê giảm nhưng tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững theo xu thế, yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới.
Tỉnh Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 80% diện tích cà phê được áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận Utz, 4C, RFA, FLO…, hoặc có chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Đặc biệt, tỉnh cũng tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho các nông hộ, doanh nghiệp vay vốn đầu tư ghép cải tạo và trồng tái canh đối với các vườn cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp.
Đến nay, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn đã trồng tái canh được 20.541 ha cà phê, đạt 63% so với kế hoạch trồng tái canh. Phần lớn diện tích trồng tái canh, hoặc ghép cải tạo, các nông hộ, doanh nghiệp đều sử dụng các giống mới như TR4, TR5, TR6, TR7, TR9, TR11, TR12, TR13… để thay cho các giống cà phê cũ đã thoái hóa.
Đây là các giống cà phê không những cho năng suất cao từ 4 đến 7 tấn cà phê nhân/ha, được khách hàng trên thế giới ưa chuộng mà còn có chất lượng nhân tốt, chống chịu cao với bệnh gỉ sắt. Theo kế hoạch, giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện trồng tái canh 27.691 ha, bình quân mỗi năm có hơn 6.900 ha cà phê cần tái canh.
Tỉnh cũng hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh thích ứng với biến đổi khí hậu, từ khâu trồng, chọn giống đến bón phân, tưới nước, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại… nhằm phấn đấu đạt năng suất bình quân từ 2,5 đến 2,8 tấn cà phê nhân/ha. Riêng trong khâu tưới nước, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có từ 75 đến 80% diện tích cà phê chủ động được nước tưới và các đơn vị chức năng hướng dẫn các nông hộ thực hiện tưới nước tiết kiệm trong mùa khô.
Cụ thể, chỉ tưới với lượng nước 500 lít/gốc ở đợt tưới đầu tiên và giảm dần ở các đợt tưới sau, giảm từ 150 đến 300 lít nước/gốc/đợt tưới so với trước đây, đồng thời, hướng dẫn các nông hộ bón phân hợp lý theo độ phì của đất nhằm góp phần giảm chi phí giá thành, tăng lợi nhuận cho các nông hộ…
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 203.737 ha cà phê, trong đó có 191.483 ha cà phê cho thu hoạch, với sản lượng ước đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trong niên vụ này.