Hiện tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, viêm não nhật bản, sốt xuất huyết… trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đây là thời điểm học sinh bắt đầu năm học mới, đòi hỏi ngành giáo dục và các đơn vị liên quan phải chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tạo môi trường học tập an toàn cho học sinh.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 10/9, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 42 ca bệnh bạch hầu tại 15 xã thuộc 6 huyện, thành phố. Hiện bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng tại địa bàn các huyện vùng sâu, vùng xa như Krông Bông (17 ca), M’Đrắk (10 ca). Bên cạnh đó, các loại bệnh truyền nhiễm khác cũng được ghi nhận trên địa bàn tỉnh như bệnh viêm não Nhật Bản 5 ca; tay chân miệng hơn 380 ca; sốt xuất huyết với hơn 600 ca bệnh; sốt rét 106 ca bệnh…
Ngoài ra, tính đến ngày 10/9, tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 3 ca mắc COVID-19 là các bệnh nhân số 448, 601, 602. Trong đó, bệnh nhân 601 và 602 đã được điều trị khỏi bệnh.
Theo bác sĩ Lê Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, hiện các loại bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, lực lượng y tế Đắk Lắk vừa phải đối phó với đại dịch COVID-19 vừa phòng, chống các loại dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đặc biệt bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Những tuần gần đây, Đắk Lắk tiếp tục ghi nhận các ca bệnh bạch hầu rải rác ở một số huyện, thành phố. Trước thềm khai giảng năm học 2020-2021, vào ngày 3/9 thành phố Buôn Ma Thuột ghi nhận ca mắc bạch hầu đầu tiên tại thôn 7, xã Cư Êbur. Ngay sau đó, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã quyết định áp dụng biện pháp khoanh vùng, cách ly y tế 7 ngày đối với khu dân cư có bệnh nhân sinh sống đối với 247 hộ với 1.010 nhân khẩu. Đồng thời, điều tra dịch tễ và quyết định cho toàn bộ 364 học sinh và 27 giáo viên của Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (đóng tại thôn 7, xã xã Cư Êbur) hoãn khai giảng và nghỉ học trong vòng 7 ngày. Ngoài ra, hơn 100 học sinh của các cấp học trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột cũng được nghỉ học trong vòng 7 ngày để theo dõi sức khỏe do có yếu tố dịch tễ liên quan đến ca bệnh bạch hầu.
Trong giai đoạn “dịch chồng dịch”, học sinh của trên 1.000 trường học với hơn 400.000 học sinh ở các cấp học của tỉnh Đắk Lắk bước vào năm học mới, đòi hỏi ngành Giáo dục và các đơn vị liên quan cần có những giải pháp để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong trường học.
Đảm bảo môi trường học tập an toàn cho học sinh
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết, Sở đã chỉ đạo hệ thống trường học trên toàn tỉnh chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch như phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, bố trí các khu vực rửa tay sát khuẩn cho học sinh, công tác này được hoàn thành trước khi đón học sinh tựu trường vào năm học mới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh về thực hiện biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành trên địa bàn tỉnh.
Đối với các địa phương đang có dịch bạch hầu, tay chân miệng, sốt xuất huyết phải tăng cường các biện pháp phòng, chống từng loại bệnh cụ thể. Đối với học sinh ở bậc học Mầm non và Tiểu học, các em vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, do đó nhà trường, giáo viên phải phối hợp tốt với phụ huynh trong việc theo dõi sức khỏe của trẻ, khi trẻ có các triệu chứng như ho, sốt phải được nghỉ học và đến khám tại các cơ sở y tế.
Huyện Krông Bông đã ghi nhận 17 ca mắc bạch hầu. Đây là địa phương có số ca mắc bạch hầu nhiều nhất của tỉnh Đắk Lắk, do đó công tác phòng, chống dịch bệnh tại các trường học cũng được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm học. Ông Lê Xuân Quý - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông cho biết, để đảm bảo an toàn học sinh trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu, Phòng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông chỉ đạo lực lượng Y tế phối hợp các trường tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường lớp, phun thuốc khử khuẩn toàn bộ hệ thống trường học trước khi đón học sinh đến trường. Ngoài ra, các trường học cũng chủ động bố trí các điểm sát khuẩn tay, hệ thống nước rửa tay và chủ động tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh về các biện pháp phòng chống các loại dịch bệnh đang diễn ra trên địa bàn.
Đối với bệnh bạch hầu, ngành Giáo dục đã tuyên truyền và tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo quyết định của Bộ Y tế để đảm bảo miễn dịch tốt cho học sinh và giáo viên trước khi bắt đầu năm học mới. Địa phương đã hoàn thành việc tiêm vắc xin bạch hầu mũi một cho học sinh, giáo viên trong huyện và đang tiếp tục triển khai tiêm vắc xin mũi hai.
Theo bà Trần Thị Tin, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột: Sau khi ghi nhận một trường hợp 3 tuổi mắc bệnh bạch hầu tại thôn 7, xã Cư Êbur, chính quyền địa phương và nhà trường đã quyết định cho 81 học sinh của một điểm trường tại thôn 7 không tổ chức khai giảng và nghỉ học 7 ngày để theo dõi sức khỏe. Đồng thời, tiến hành phun thuốc khử khuẩn và vệ sinh toàn bộ trường lớp, đồ dùng dạy học, bàn ghế để đảm bảo môi trường an toàn cho học sinh đến trường.
Để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào trường học, hàng ngày nhà trường thực hiện nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay cho toàn bộ học sinh trước khi đón các cháu vào lớp. Đối với đặc thù bậc học Mầm non, học sinh vẫn chưa nhận thức đầy đủ về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên giáo viên chủ nhiệm phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi sức khỏe của học sinh, kịp thời phát hiện các trường hợp có triệu chứng bệnh như ho, sốt để đưa đến khám ở các cơ sở y tế.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk bác sĩ Lê Phúc, việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục có ý nghĩa quan trọng, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong trường học, đảm bảo an toàn và sức khỏe của giáo viên và học sinh.