Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023- 2028) với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển"diễn ra từ 25 đến 27/12 tại Hà Nội. Về dự Đại hội, nhiều đại biểu kỳ vọng Đại hội sẽ tập hợp tinh thần trách nhiệm, trí tuệ tập thể của tất cả các đại biểu, để đóng góp và quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị, cần ưu tiên nguồn lực xứng tầm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Về dự Đại hội, ông Nguyễn Thường Lang (Ninh Thuận) cho rằng, hiện nay, xu hướng phát triển kinh tế của nông dân sẽ không chỉ đơn thuần là sản xuất nông nghiệp mà sẽ là kinh tế nông nghiệp. Tức là, nông dân triển khai những mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, có liên kết, có bảo vệ môi trường, có tính cạnh tranh cao nhưng vẫn đảm bảo sự bền vững. Ông Nguyễn Thường Lang mong muốn Đại hội lần này sẽ có những quyết sách quan trọng phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn như hiện nay.
“Các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nông dân. Đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong sản xuất nông nghiệp”, ông Nguyễn Thường Lang nhấn mạnh.
Ông Lang phân tích, do biến đổi khí hậu, việc sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn, đặc biệt là sản xuất nho ở Ninh Thuận ngày càng bị thu hẹp. Để thích ứng với điều này, nông dân mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Qua đó, hạn chế được ảnh hưởng của môi trường, giúp nông nghiệp phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân.
"Chúng tôi kỳ vọng Đại hội sẽ có quyết sách đúng đắn, đặc biệt là tiếp tục quan tâm hỗ trợ nông dân chuyển đổi số mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Làm được điều này, nông dân mới thực sự là chủ thể quan trọng trong xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh…", ông Nguyễn Thường Lang bày tỏ.
Nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay, nông dân vẫn còn sản xuất theo kiểu tự phát. Sản phẩm làm ra chưa tiếp cận được nhiều thị trường nên lâm cảnh được mùa mất giá và được giá mất mùa. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước thềm Đại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiều đại biểu mong muốn Đại hội sẽ dành sự quan tâm đặc biệt để phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi, cần tiếp tục đẩy mạnh tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật cho nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tuyên truyền để hội viên nông dân nâng cao nhận thức xóa bỏ lối canh tác nông nghiệp lạc hậu để ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, giảm nghèo hiệu quả…
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong Đại hội lần này, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tham gia bàn luận về vấn đề xây dựng nông nghiệp đô thị với những giải pháp cụ thể. Qua đó, phát huy, nhân rộng lực lượng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân tiêu biểu của thành phố, những nhà khoa học của nhà nông; đầu tư công tác nghiên cứu khoa học dành cho nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp; tăng cường phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao cho nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao.
Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần VIII sẽ tập hợp tinh thần trách nhiệm và trí tuệ tập thể của tất cả các đại biểu, đóng góp và quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, khởi động cho một giai đoạn mới của tổ chức Hội Nông dân và giai cấp nông dân cả nước với khí thế mới, tràn đầy tinh thần và nhiệt huyết, mạnh dạn đổi mới, tự tin hội nhập, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường giao dịch thương mại điện tử, xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới.
Đồng thời, xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, người nông dân Việt Nam văn minh, phát triển toàn diện; phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân kiến nghị, trong thời gian tới, các cơ quan chính quyền các cấp cần tiếp tục lắng nghe và tăng cường đối thoại với nông dân để kịp thời có những chính sách, chủ trương cụ thể, quyết liệt nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn giúp bà con yên tâm sản xuất và làm giàu. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, chính quyền các cấp cần có định hướng và quy hoạch rõ, cụ thể để ưu tiên nguồn lực xứng tầm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển, bền vững hơn.
Chia sẻ cảm xúc khi về tham dự Đại hội, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng Hoàng Lệ Lam cho rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII là sự kiện chính trị quan trọng, Ngày hội lớn của nông dân trong cả nước. Thành công của Đại hội sẽ là tiền đề, động lực, đồng thời là cơ hội để Hội nông dân các cấp thể hiện được vai trò trung tâm, nòng cốt của công tác hội và phong trào nông dân.
Đại biểu kỳ vọng, Đại hội lần này sẽ ban hành nhiều quyết sách mới, mang tính đột phá, đưa vai trò, vị thế của Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân Việt Nam bước sang giai đoạn phát triển mới.
Đánh giá về Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới ban hành ngày 20/12/2023, nhiều đại biểu cho rằng, đây là Nghị quyết mở ra con đường mới, thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp nông dân. Đồng thời, cũng là cơ hội, trách nhiệm của Hội nông dân các cấp phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, là chủ thể trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…
Đỗ Bình - Hiền Hạnh