Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV - năm 2024

Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra ngày 28/11 với sự tham gia của 250 đại biểu, đại diện cho hơn 27.000 đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh.

vna_potal_dai_hoi_dai_bieu_cac_dan_toc_thieu_so_tinh_vinh_long_lan_thu_iv_7728352.jpg
Quang cảnh Đại hội. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị, Vĩnh Long tiếp tục quan tâm phổ biến, quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đồng thời nỗ lực giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giúp đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu trên quê hương.

vna_potal_dai_hoi_dai_bieu_cac_dan_toc_thieu_so_tinh_vinh_long_lan_thu_iv_7728357.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Vĩnh Long tập trung thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để triển khai nhanh các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, bảo đảm hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã xác định.

Cùng với đó, tỉnh tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp tục thực hiện tốt chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Địa phương quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số, từ đó tiếp cận, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thông minh, đáp ứng định hướng quy hoạch của tỉnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao Bằng khen cho các cá nhân là người dân tộc thiểu số có thành tích tiêu biểu, xuất sắc giai đoạn 2019-2024. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trao Bằng khen cho các cá nhân là người dân tộc thiểu số có thành tích tiêu biểu, xuất sắc giai đoạn 2019-2024. Ảnh: Lê Thúy Hằng - TTXVN

Ông Hầu A Lềnh mong muốn, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Vĩnh Long phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác quốc phòng, an ninh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, cùng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời yêu cầu, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, đảm bảo bố trí người đủ tâm, đủ tầm để tham mưu thực hiện chính sách dân tộc tại địa phương. Các địa phương chú trọng phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của người có uy tín trong cộng đồng, tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết của nhân dân.

vna_potal_dai_hoi_dai_bieu_cac_dan_toc_thieu_so_tinh_vinh_long_lan_thu_iv_7728347.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Các cấp, ngành, địa phương quan tâm bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa tốt đẹp, di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực thi đua học tập, lao động, sản xuất để thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng, đoàn kết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc.

Vĩnh Long hiện có 24 dân tộc đang sinh sống với 26.567 người (chiếm 2,6% dân số toàn tỉnh). Trong đó, dân tộc Khmer 22.630 người (chiếm 2,21%), dân tộc Hoa 3.627 người (chiếm 0,35%), các dân tộc khác 339 người (chiếm 0,03%). Trong 5 năm qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực. Đến cuối năm 2023, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn 301 hộ (chiếm 3,46% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số).

vna_potal_dai_hoi_dai_bieu_cac_dan_toc_thieu_so_tinh_vinh_long_lan_thu_iv_7728351.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời trao Bằng khen cho các tập thể người dân tộc thiểu số có thành tích tiêu biểu, xuất sắc giai đoạn 2019-2024. Ảnh: Lê Thúy Hằng – TTXVN

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 1.730 căn nhà cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách chưa có nhà ở kiên cố; trong đó có 785 căn nhà ở cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào được quan tâm, các lễ hội truyền thống được duy trì và phát huy giá trị... Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến là đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, tạo sức lan tỏa và động lực để gia đình đồng bào các dân tộc thiểu số tích cực lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Tại Đại hội, Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long đã khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2019 - 2024.

Lê Thúy Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm