Ngày 28/11, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh An Giang lần thứ IV, năm 2024, với chủ đề “Các dân tộc tỉnh An Giang đoàn kết, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triện bên vững". Dự đại hội có 246 đại biểu chính thức đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh.
An Giang có 28 dân tộc cùng sinh sống; trong đó có hơn 97,5 nghìn người dân tộc thiểu số, chiếm 5,26% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng đầy đủ mọi chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; không ngừng cố gắng vươn lên, xây dựng bản làng, quê hương giàu có.
Tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà ấn tượng với việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thành quả giảm nghèo, phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, hộ nghèo An Giang giảm trên 3%, thu nhập đồng bào dân tộc tăng 1,3 lần so với năm 2020. Toàn tỉnh có 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 6 di sản của hai dân tộc Khmer và Chăm. Tỉnh còn lưu giữ nhiều tư liệu về nghệ thuật Dì Kê, đàn Chà - Pây của dân tộc Khmer; nghề thủ công mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc như: Dệt thổ cẩm, tranh lá thốt nốt, đường thốt nốt... phát triển mạnh.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá cao sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng kinh tế, xã hội tỉnh An Giang phát triển nhanh, với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, được Trung ương khen ngợi, đánh giá cao. Từ một tỉnh thiếu gạo, An Giang đã vươn lên xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn/năm, trở thành "cái nôi" cá tra của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Nông Thị Hà đề nghị tỉnh An Giang tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc, tập trung các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc; quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, gắn với phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Song song đó, An Giang cần chủ động, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, nhân quyền để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tại Đại hội, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở từng vùng, từng địa phương, phù hợp với văn hóa và tập quán của các dân tộc thiểu số; quan tâm sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, kể cả vật thể và phi vật thể.
Giai đoạn 2024-2029, An Giang tập trung phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; rút ngắn khoảng cách thu nhập vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với vùng phát triển. Tỉnh cũng tập trung mọi nguồn lực phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, kết nối vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng phát triển.
An Giang phấn đấu đến năm 2029, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của tỉnh; trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỉnh phấn đấu có 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; được xem truyền hình và nghe đài phát thanh… Đến năm 2029, 35% - 40% số người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề và có thu nhập ổn định; giảm từ 3% - 4% hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm; không còn các xã, ấp đặc biệt khó khăn, trên 90% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới.
Thanh Sang