Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 chủ đề “Các dân tộc tỉnh Đồng Nai đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”.

vna_potal_dai_hoi_dai_bieu_cac_dan_toc_thieu_so_tinh_dong_nai_lan_thu_iv_nam_2024_7718252.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Lê Xuân - TTXVN

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ghi nhận, biểu dương những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đồng Nai đã đạt được. Đồng thời đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục quan tâm, phổ biến, quán triệt, triển khai nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân tộc trong tình hình mới; nỗ lực cao nhất để giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

vna_potal_dai_hoi_dai_bieu_cac_dan_toc_thieu_so_tinh_dong_nai_lan_thu_iv_nam_2024_7718250.jpg
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho các tập thể, cá nhân xuất sắc. Ảnh: Lê Xuân - TTXVN

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, thời gian tới, cần tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là ở vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số; tăng cường đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số có tâm huyết đến công tác tại địa bàn khó khăn; phát huy vai trò người có uy tín và mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở.

Ông Hầu A Lềnh mong muốn, đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng Nai dù khó khăn cũng phải ưu tiên thời gian, tạo mọi điều kiện để con em được đến trường. Đồng bào cùng nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; đồng thời nhanh chóng bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chuyển hóa di sản, bản sắc dân tộc trở thành nguồn lực phát triển bền vững.

Đồng Nai hiện có trên 50 dân tộc thiểu số sinh sống, với gần 200.000 người. Tỉnh là một trong những địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước. Trong 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiếu số lần thứ III, giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành mục tiêu của Đại hội đề ra.

vna_potal_dai_hoi_dai_bieu_cac_dan_toc_thieu_so_tinh_dong_nai_lan_thu_iv_nam_2024_7718260.jpg
Trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho các tập thể, cá nhân xuất sắc. Ảnh: Lê Xuân - TTXVN

Hiện, toàn tỉnh có 105/120 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và là tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% xã tiếp cận điện lưới quốc gia; trên 99% đường trục giao thông nông thôn và đường giao thông vào khu sản xuất tập trung được cứng hóa; 100% xã phủ sóng truyền hình, viễn thông; 100% xã, phường có trạm y tế, 100% thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, thuộc đồng bào dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đến trường học các cấp đạt 100%, được hỗ trợ, miễn giảm học phí, hỗ trợ dịp Tết…

Giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở về vấn đề dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc. Tỉnh tập trung thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, xã hội; giảm nghèo nhanh và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào…

Lê Xuân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm