Ngày 21/11, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024.
Tại Đại hội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh biểu dương Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã có chủ trương đúng đắn, trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đạt nhiều thành tựu quan trọng, cuộc sống đồng bào ngày càng nâng lên.
Đặc biệt, việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đạt những kết quả khá toàn diện. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đạt cao hơn bình quân chung của các địa phương. Trong đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, gương điển hình tiêu biểu về thi đua làm kinh tế hiệu quả, tạo sự lan tỏa lớn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn. Chất lượng giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn cao. Việc triển khai một số chương trình, chính sách, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa theo kịp tiến độ. Một số tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để; chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số chưa đồng đều...
Ông Hầu A Lềnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, cần tiếp tục đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, với quyết tâm chính trị cao nhất, phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt cần đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số; tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, có chính sách và giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết đến công tác tại các địa bàn khó khăn...
Địa phương tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường, sinh thái nhất là địa bàn xung yếu, biên giới, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; chủ động xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc.
Trong 5 năm qua, với nỗ lực của các cấp, ngành và đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư tăng cường và nâng cấp; công tác giáo dục, y tế của vùng có nhiều tiến bộ. Các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào tiếp tục được quan tâm bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả; trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Tỷ lệ đường giao thông đến trung tâm xã, trung tâm huyện đã hư hỏng, xuống cấp được cải tạo, sửa chữa đạt 100%; thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa đạt 100%.
Tỷ lệ thôn, bản có điện lưới quốc gia đạt 100%; học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường đạt 100%. Tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền núi giảm từ 15,19% xuống còn 11,04% (giảm 4,15% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,26% (từ 20,46% xuống còn 15,2%)...
Dịp này, 5 cá nhân vinh dự nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân tộc của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 6 tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. UBND tỉnh Thanh Hóa trao Bằng khen tặng 268 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc…trong thực hiện công tác dân tộc.
Khiếu Tư