Đại Bình- “vùng đất Nam bộ” ở duyên hải miền Trung

Đại Bình- “vùng đất Nam bộ” ở duyên hải miền Trung
Nông Sơn là huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Để từng bước nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn, Nông Sơn đang phát triển du lịch, lấy “điểm nhấn” là làng Đại Bình bên dòng sông Thu Bồn. 
Với thời tiết quanh năm thoáng mát, khí hậu trong lành, độ ẩm cao, đất đai màu mỡ thuận lợi cho việc trồng cây ăn quả lâu năm, Đại Bình được mệnh danh là “vùng đất Nam bộ” ở duyên hải miền Trung với các loại trái cây đặc sản như lòn bon, sầu riêng, trụ lông, măng cụt…

Đại Bình ở vùng đất cao, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông Thu Bồn nên theo các nhà địa lý học nơi đây có thế phong thủy rất thịnh cho an cư. Giao thông chủ yếu bằng đường thủy qua phương tiện đò ngang, vì thế cảnh tấp nập, nhộn nhịp ở bến sông vào buổi sáng đã trở thành nét rất riêng cho ngôi làng cổ miền Trung này.

Đại Bình là nơi có nhiều làng nghề truyền thống tồn tại như nghề làm nón, tráng bánh, nghề nấu đường mía, nghề rèn… Đặc biệt, nghề trồng dâu nuôi tằm nếu được phục dựng và bảo tồn sẽ là nhân tố góp phần quan trọng cho việc thu hút khách du lịch nước ngoài đến với Đại Bình.

Đại Bình- “vùng đất Nam bộ” ở duyên hải miền Trung ảnh 1
Huyện Nông Sơn đang từng bước đẩy mạnh phát triển du lịch làng Đại Bình. Ảnh minh họa: dulich.dantri.com.vn

Là điểm dừng chân lý tưởng của tour du lịch khép kín: Suối Nước Mát, đèo Le - suối nước nóng Tây Viên – Đại Bình – Hòn Kẽm Đá Dừng, Đại Bình còn là quê hương, là nơi từng giữ chân của nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu như Bùi Giáng, Hoàng Châu Ký, Tường Linh, Khương Hữu Dụng, Thu Bồn… Con người Đại Bình rất thân thiện, mến khách, có tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.

Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Lê Ngọc Trung bộc bạch: Nông Sơn nằm trong khu vực có hoạt động du lịch sôi động nên có quan hệ chặt chẽ với du lịch của vùng. Hoạt động du lịch của Nông Sơn chỉ có thể phát triển khi thiết lập và khai thác được mối quan hệ với các lãnh thổ lân cận và cả vùng miền Trung. Du lịch Nông Sơn phải trở thành bộ phận không tách rời của du lịch Quảng Nam, du lịch miền Trung. Khách du lịch đến Nông Sơn sau khi đã đến tham quan du lịch ở các điểm du lịch lân cận như Hội An, Đà Nẵng, Mỹ Sơn, đèo Le,…Đặc biệt, du lịch Nông Sơn phải liên kết chặt chẽ với du lịch Hội An, Duy Xuyên, Đà Nẵng. Liên kết với ba địa phương này có ý nghĩa quyết định đến quy mô và số lượng khách, đến doanh thu, đến mức độ sôi động của ngành du lịch.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, Nông Sơn đã và đang huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú trên địa bàn. Bên cạnh đó, phát huy sức mạnh của người dân, nhất là người dân tại làng Đại Bình, huyện đang vận động nhân dân đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút khách đến tham quan và lưu trú dưới loại hình homestay; phát triển loại hình du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch làng quê, du lịch nông thôn; du lịch sinh thái miệt vườn…

Đại Bình- “vùng đất Nam bộ” ở duyên hải miền Trung ảnh 2
Hoàng hôn trên sông Thu Bồn. Ảnh minh họa: dulich24.com.vn

Gia đình bà Nguyễn Thị Lan (70 tuổi, làng Đại Bình, xã Quế Trung) có truyền thống trồng các cây trái đặc sản của địa phương như bưởi trụ lông Đại Bình, cam, quýt, chuối Đại Bình… Hàng năm, cứ đến mùa nào thức nấy, đều cho ra sản phẩm đặc trưng của vùng đất được mệnh danh là “vựa trái cây” của miền Trung. Theo bà Lan, những năm gần đây, nhiều du khách đã đến tham quan, mua trái cây làm quà biếu, tuy giá thành cao hơn đưa ra chợ bán nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi. Chủ trương của huyện là vận động người dân cải tạo vườn cây ăn trái, xây dựng nơi nghỉ ngơi, lưu trú cho du khách và liên kết với các hãng du lịch để đưa du khách đến Nông Sơn nói chung và Đại Bình nói riêng nên bà con chuyên tâm chăm sóc, bảo vệ, nhân giống vườn cây ăn trái để cho ra những sản phẩm đẹp hơn, chất lượng hơn.

Nông Sơn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng và có các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, độc đáo. Điển hình là văn hóa Chămpa (các nhà nghiên cứu đã phát hiện các di tích Chăm pa tại thôn Lộc Đông), văn hóa tín ngưỡng dân gian (gắn với di tích văn hóa và lễ hội Bà Thu Bồn), các di tích lịch sử cách mạng, các truyền thuyết gắn với núi Chúa, núi Hòn Tàu, Cà Tang, các giá trị văn hóa phi vật thể như tuồng… Các giá trị văn hóa đã và đang góp phần làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, nếu khai thác tốt có thể phục vụ cho hoạt động du lịch. Với phương châm “người dân làm du lịch và hưởng lợi từ du lịch”, chủ trương phát triển kinh tế của lãnh đạo huyện Nông Sơn đã dần đi vào cuộc sống người dân nơi đây. Với những tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nông Sơn, trong thời gian không xa, địa danh “Du lịch sinh thái Nông Sơn” sẽ có mặt trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Nguyễn Sơn
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm