Sửa chữa điện tại vùng đồng bào dân tộc Đạ Huoai. |
Ông Trần Văn Phương, Giám đốc Điện lực Đạ Huoai kể với chúng tôi về kỷ niệm khi bắt đầu thi công đường điện kéo về xóm Duyên Thái. Một cụ ông gần đất xa trời thều thào nắm tay công nhân ngành điện tâm sự, cụ đã mong có điện suốt bao nhiêu năm nay nhưng điện vừa kịp về, cụ khuất núi. Trước di ảnh cụ, cán bộ Điện lực Đạ Huoai thầm khấn, cụ ơi, chúng con không kịp kéo điện về như mong ước của cụ. Nhưng hôm nay, điện đã về vào lúc phục vụ làm đám cụ. Ông Phương bảo, đó là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất của ông trong cuộc đời gắn bó với ngành điện. Lời mong mỏi của ông cụ cũng là khát vọng của những hộ đồng bào chưa có điện, còn sống trong cảnh đèn dầu, đèn sạc đêm đêm. Điện sáng mang về cho dân cư một sự thay đổi tuyệt vời, với bộ mặt văn minh và những tiện ích cho cuộc sống. Trẻ em có đèn sáng đêm đêm để học bài, người lớn được xem ti vi, nghe đài mở mang kiến thức. Những vật dụng phục vụ cuộc sống như: nồi cơm điện, tủ lạnh, máy nổ… mới có cơ hội được sử dụng. Duyên Thái, xóm nghèo ngày xưa nay đã đổi thay, không còn tăm tối, ánh điện đã thắp lên những hi vọng rạng ngời vào tương lai.
Duyên Thái hôm nay đã có điện, cuộc sống người dân đã đổi thay bởi luồng sáng văn minh. Với một địa bàn khá rộng do Điện lực Đạ Huoai quản lý, gồm: huyện Đạ Huoai và một phần xã Tà Pứa, huyện Tánh Linh của tỉnh Bình Thuận, trên 99% dân số đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Con số đáng mừng này đã cho thấy đời sống của bà con nói chung đã được cải thiện và ngành điện đã cố gắng trong việc đưa ánh sáng về vùng sâu. Nhưng trên địa bàn Đạ Huoai vẫn có những “điểm đen”, nơi dòng điện sáng chưa về được tới bà con. Nhiều vùng đất trù phú với cà phê, cây ăn trái, cao su nhưng bà con vẫn chưa tới định cư, đi làm hàng ngày rồi về mặc dù trong lòng tha thiết. Bởi một lẽ, trong xóm chưa có điện, những người “trụ” trong vùng thiếu điện rất thiệt thòi. Như gia đình ông Đinh Xuân Thanh, xã Đạ Ploa, dù gắn bó với đất ở đây từ năm 1985 nhưng ông vẫn ngày ngày đi - về. Ông bảo, trong vườn đất đẹp, lại gắn với sinh kế của cả nhà nhưng chưa có điện. Bà con thôn này rất mong mỏi ngày điện sáng về thôn để phát triển sản xuất, có điện người dân mới muốn định cư ở đây. Vì, trích lời ông Thanh, “không có điện khổ nhất là bọn trẻ con, không có điều kiện để học hành”. Ở nhiều nơi khác, không còn cảnh cả xóm chịu cảnh đèn dầu nhưng vẫn còn lại một phần của xóm tối om; trong khi những vùng khác sáng đèn. Bởi vậy, bà con càng tha thiết mong điện về.
May mắn, ông Trần Văn Phương cho biết, trong kế hoạch thực hiện Chương trình cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo theo QĐ 2081/QĐ-TTg, Đạ Huoai nằm trong vùng dự án, được cấp kinh phí tiếp tục đưa điện tới xóa “điểm đen” với kinh phí được cấp là 59 tỷ đồng. Ưu tiên của chương trình sẽ là xóa những điểm chưa có điện. Ngành điện đã phối hợp với những cơ quan chức năng liên quan khảo sát cụ thể những nơi hoàn toàn chưa có điện và hi vọng từ năm 2016 tới 2020, toàn huyện Đạ Huoai cơ bản hoàn thành cấp điện lưới quốc gia về cho cư dân. Những nơi nào đã có điện nhưng hệ thống quá yếu cũng sẽ được sửa chữa, đảm bảo chất lượng và an toàn lưới điện. Điều quan trọng là thực hiện giải tỏa an toàn hành lang lưới điện chuẩn bị cho thực hiện thi công, ông Phương cho hay, ngành điện đã phối hợp cùng chính quyền địa phương bắt đầu công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu, để bà con những vùng có điện thông cảm với vùng chưa có điện, sẵn sàng chia sẻ, chịu thiệt thòi một chút về kinh tế để đường điện được đi qua thuận lợi. Công tác này cũng đòi hỏi ngành điện mất nhiều công sức để thực hiện. Cùng sự nỗ lực của toàn dân, chính quyền và ngành điện, hi vọng trong tương lai không xa, Đạ Huoai sẽ sáng ánh điện mỗi gia đình, mỗi thôn xóm.
Báo Lâm Đồng