Đa dạng hóa sản phẩm du lịch hướng đến phát triển bền vững

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch hướng đến phát triển bền vững

Để khai thác tiềm năng phát triển du lịch bền vững, tỉnh Tiền Giang đang tập trung triển khai các giải pháp cần thiết như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tăng cường liên kết vùng, thu hút đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, mở thêm các tour, tuyến, phát triển những sản phẩm du lịch mới để thu hút, giữ chân du khách.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch hướng đến phát triển bền vững ảnh 1Du khách tham quan khu du lịch Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Trong tháng 10/2023, tỉnh Tiền Giang đón 84,8 ngàn lượt khách. Tính chung trong 10 tháng năm 2023, số lượt khách du lịch đến Tiền Giang đạt 924 ngàn lượt, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 98 ngàn lượt, tăng 4,6 lần; khách nội địa đạt 826 ngàn lượt, tăng 32,2%.

Ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết: Ngành Du lịch của tỉnh đã lên kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ chủ các ngôi nhà cổ, hộ làng nghề khôi phục, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, chuẩn bị phát triển các tour, tuyến du lịch mới, kể cả liên kết tour, tuyến với các doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre. Đặc biệt là chuẩn bị mở lại tour du lịch Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, tạo điểm nhấn du lịch sinh thái - tâm linh đặc trưng của tỉnh.

Ngành phối hợp với địa phương tiến hành giai đoạn 2 phục dựng lại Di tích lịch sử "Đám lá tối trời", xây dựng nơi đây thành Trung tâm lễ hội khu vực phía Đông tỉnh, kết hợp tham quan du lịch biển Tân Thành, các Di tích lịch sử - văn hóa tại thị xã Gò Công như Đền thờ Trương Định, nhà Đốc Phủ Hải, Lăng Hoàng Gia, Làng nghề tủ thờ Gò Công… cùng đặc sản mắm tôm chà Gò Công, được kỳ vọng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng phía Đông tỉnh.

Đối với vùng Trung tâm tỉnh, ngành triển khai khảo sát tuyến rạch Bà Ngọt (Thành phố Mỹ Tho) để đầu tư phát triển tuyến du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với khu Quảng trường Hùng Vương - Điền Lan Thôn Trang - chùa Vĩnh Tràng - Làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho cùng cù lao Thới Sơn để hình thành thêm sản phẩm mới của vùng. Vùng phía Tây sẽ sớm khởi động lại điểm nhấn du lịch là Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp phù hợp tình hình mới...

Trong năm 2023, tỉnh Tiền Giang chủ động kết nối các tỉnh, thành phố trong khu vực để phát triển tuyến, điểm du lịch an toàn liên vùng. Đặc biệt, tỉnh chú trọng mời gọi đầu tư phát triển du lịch trong nỗ lực khai thác, phát triển bền vững ngành “công nghiệp không khói”. Mặt khác, tỉnh tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vốn hình thành các khu du lịch sinh thái, khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí có quy mô lớn, hấp dẫn cùng các dự án về bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị văn hóa - lịch sử…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang phối hợp với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức trên 8 đoàn gồm các doanh nghiệp lữ hành Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát các tuyến, điểm du lịch để xây dựng tour, tuyến liên kết phát triển du lịch gắn với mời gọi đầu tư phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá các thị trường du lịch trọng điểm, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về du lịch...

Tiền Giang phối hợp các tỉnh, thành phố trong Cụm liên kết phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh gồm các tỉnh tham gia các sự kiện du lịch quan trọng như: Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam, Hội chợ Du lịch Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội Du lịch tỉnh Vĩnh Long…

Tiền Giang đang quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp gắn liền với các hoạt động như: tham quan ngắm cảnh nông thôn, homestay, các làng nghề truyền thống, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống người dân nông thôn…

Tiền Giang hiện có 16 điểm du lịch chính, sử dụng hàng ngàn lao động, chủ yếu lao động nông thôn. Mô hình du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực mà còn giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tăng thu nhập, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Một trong những minh chứng sinh động cho việc đầu tư, khai thác hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp là người dân ở cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã xây dựng, khai thác tốt sản phẩm du lịch mang đậm nét đặc trưng vùng cây ăn trái hơn 1.300 ha vườn trồng cây ăn trái đặc sản. Điểm du lịch Mekong Rustic Sáu Vân có rộng gần 10 ha với 15 phòng nghỉ đạt chuẩn cho khách có nhu cầu ở qua đêm cũng như có cơ hội tham gia vào các hoạt động sinh hoạt của người dân sông nước miệt vườn

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp hiệu quả, bền vững, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp ở những vùng có nhiều tiềm năng, đồng thời tăng cường quản lý tránh tình trạng để người dân hoạt động tự phát, chạy theo phong trào.

Nông dân làm du lịch cần cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; có thái độ ứng xử thân thiện, văn minh, mến khách, tôn trọng cũng như hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương…

Doanh nghiệp du lịch cần xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nông thôn; quan tâm đến quyền lợi người nông dân, cùng chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo tồn môi trường văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Hữu Chí

TTXVN

Có thể bạn quan tâm