Đắk Lắk có địa bàn rộng, đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều vùng khó khăn trong việc tiếp cận thông tin. Do đó, để đảm bảo tính dân chủ và thành công cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, tỉnh đang đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; đặc biệt chú trọng tuyên truyền về cuộc bầu cử trong vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Krông Bông là huyện vùng sâu, vùng xa của Đắk Lắk, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột 50 km. Huyện có 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 40% dân số toàn huyện. Những ngày này, khắp các tuyến đường của thị trấn Krông Kmar và trụ sở các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện dễ dàng bắt gặp băng rôn, pano, áp phích tuyên truyền những khẩu hiệu như "Cử tri huyện Krông Bông tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026", "Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là trực tiếp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân!"…
Theo ông Phạm Đình Tấn, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Bông, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Bầu cử huyện, đơn vị đã xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền, cổ động về cuộc bầu cử. Nội dung tuyên truyền tập trung nêu bật bối cảnh diễn ra, mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của pháp luật về cuộc bầu cử và những thành tựu của Quốc hội, HĐND các cấp qua các thời kỳ.
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Bông đã in các băng, đĩa tuyên truyền bầu cử gửi cho UBND 14 xã, thị trấn; hoàn chỉnh hệ thống pa nô, áp phích, băng rôn, màn hình Led ở trung tâm huyện tuyên truyền sâu rộng về sự kiện trọng đại ngày 23/5 tới. Ngoài ra, Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện phát chương trình song ngữ Kinh – Ê Đê tuyên truyền về bầu cử hàng ngày. Theo kế hoạch, cao điểm từ tháng 4 đến ngày 23/5, huyện sẽ tuyên truyền lưu động gồm xe loa cổ động trực quan, triển lãm ảnh, chiếu phim và phóng sự về cuộc bầu cử ở các xã, vào tận buôn đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chương trình buôn vui chơi – buôn ca hát chào mừng cuộc bầu cử.
Ông Nguyễn Tấn Đăng, khối 4, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông, chia sẻ, qua hội nghị tiếp xúc cử tri, thông tin trên báo đài và các hình thức tuyên truyền của huyện, người dân như ông rất phấn khởi và chuẩn bị sẵn sàng để ngày 23/5 cùng với cử tri cả nước đi bầu cử.
Ông Đăng kỳ vọng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ thành công, chọn được những người có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn, biết thương dân, giúp đỡ dân, thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước vào Quốc hội và HĐND các cấp.
Cùng kỳ vọng như ông Đăng, Trưởng buôn Yang Reh (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) ông Y Mui Niê chia sẻ, trong buôn có 4 cụm loa truyền thanh không dây, hằng ngày phát thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử cho người dân nắm. Ngoài ra, cán bộ Văn hóa – Thông tin xã thường vào buôn tuyên truyền trực tiếp về cuộc bầu cử. Ông Y Mui Niê thường lồng ghép tuyên truyền về cuộc bầu cử trong các cuộc họp buôn; vận động nhân dân kêu gọi người thân trong gia đình đang đi làm ăn xa đến ngày 23/5 trở về địa phương để đi bầu cử. Ông Y Mui Niê kỳ vọng, ứng cử viên được dân tin tưởng, lựa chọn bầu vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ phục vụ tốt cho nhân dân, đưa địa phương và đất nước ngày càng phát triển.
Còn tại thành phố Buôn Ma Thuột, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Phạm Tấn Hưng cho biết, công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử được Mặt trận các cấp tuyên truyền sâu rộng trên hệ thống truyền thanh – truyền hình. Ngoài ra, đơn vị đã phát 30.000 tờ rơi tuyên truyền bầu cử cho 248 thôn, buôn, tổ dân phố. Các hình thức tuyên truyền khác như cổ động trực quan, lưu động, đang được thành phố đẩy mạnh thực hiện.
Về phía Ủy ban Bầu cử tỉnh, ngoài việc thành lập Tiểu ban Thông tin – Tuyên truyền, Ủy ban Bầu cử đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho sự kiện trọng đại này. Tỉnh đã tổ chức Hội nghị báo cáo viên thông tin một số nội dung cơ bản về tuyên truyền bầu cử cho báo cáo viên, tuyên truyền viên; hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật về cuộc bầu cử; tập huấn công tác thông tin tuyên truyền cuộc bầu cử cho lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương thường trú và báo chí địa phương.
Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền của tỉnh tập trung vào một số hoạt động như: tuyên truyền lưu động, tuyên truyền cổ động trực quan, dịch khẩu hiệu tuyên truyền cuộc bầu cử sang tiếng Ê Đê và đưa thông tin đến người dân vùng sâu, vùng xa, xây dựng chương trình nghệ thuật/chương trình Dạ hội điện ảnh và triển lãm Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ để chào mừng cuộc bầu cử... Ngoài ra, tỉnh ban hành văn bản gửi đến các cơ sở lưu trú du lịch vận động du khách thực hiện nghĩa vụ công dân trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử.
Theo ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh, Đắk Lắk xác định tuyên truyền là một trong những hoạt động trọng tâm của công tác bầu cử. Hoạt động tuyên truyền phải đảm bảo cho tất cả người dân trên địa bàn tỉnh, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa nắm được những nội dung liên quan đến công tác bầu cử; giúp nhân dân hiểu được ngày 23/5 không chỉ là ngày hội toàn dân, mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân khi lựa chọn ra những ứng cử viên có đủ đức, đủ tài để đại diện cho nhân dân tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.
Từ chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền về cuộc bầu cử với những giải pháp linh động, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Với các hoạt động tuyên truyền về cuộc bầu cử đang được triển khai, tỉnh Đắk Lắk mong muốn gắn kết các tầng lớp nhân dân hướng về ngày bầu cử, để 49 dân tộc anh em trên địa bàn tích cực tham gia bầu cử, đảm bảo cuộc bầu cử đạt kết quả cao, dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật.
Hoài Thu