Một cây gỗ lớn bị đốn hạ. Ảnh: TTXVN |
Theo đó, các Sở, ngành, UBND các huyện thị xã trong tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra hơn 500 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, trong đó có 48 vụ khai thác rừng trái pháp luật. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh xảy ra 265 vụ phá rừng làm thiệt hại 66 ha rừng các loại. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, số vụ và diện tích phá rừng tại Đắk Nông năm nay đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tỉnh vẫn là địa phương có số vụ phá rừng cao nhất cả nước.
Tình trạng phá rừng thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chủ yếu xảy ra trên một số tuyến đường chính như: đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ), Quốc lộ 28 (đoạn qua địa phận xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long) và một số khu vực thuộc huyện Tuy Đức.
Ngoài ra, khu vực rừng tự nhiên được giao cho các công ty lâm nghiệp, các đơn vị chủ rừng tại nhiều địa phương tỉnh Đắk Nông cũng bị tàn phá, lấn chiếm để lấy đất canh tác. Các đơn vị chủ rừng nằm trong danh sách có rừng bị tàn phá gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Đức Hòa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Đắk N’Tao, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Nam Tây Nguyên…
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cũng đã xử lý kỷ luật “khiển trách” một cán bộ kiểm lâm; xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan đến mất rừng thông và tham mưu chuyển đổi rừng thông không đúng quy định cho một công ty lâm nghiệp.
Ngọc Minh