Mô hình chăn nuôi lợn của cựu chiến binh ở xã Mường Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN |
Ông Quang sinh ra và lớn lên ở bản Cẩm Trung 1, trong gia đình sản xuất nông nghiệp nên thấu hiểu cuộc sống khó khăn nơi đây. Nung nấu ý định sau này sẽ xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp để bà con trong bản làm theo nên sau khi xuất ngũ năm 1991, ông Quang trở về bản Cẩm Trung 1 và bắt tay vào khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương để phát triển kinh tế. Ông Quang quyết định cải tạo 1 ha đất ruộng do bố mẹ để lại, đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi. Thời gian đầu, do chưa có kỹ thuật và kinh nghiệm nên không ít lần ông thất bại. Không nản chí, sau mỗi lần thất bại, với kinh nghiệm dần tích lũy được, ông Quang lại cố gắng suy nghĩ, tìm tòi hướng phát triển kinh tế theo mô hình V.A.C. Trong quá trình làm kinh tế, ông Quang vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, tài liệu chăn nuôi, áp dụng thực tiễn để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Ông cũng đi nhiều nơi để học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi. Trên diện tích gần 1 ha đất ruộng, ông Quang tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với việc chuyển sang trồng giống lúa mới có năng suất, giá trị kinh tế cao như: Nghi hương 2308, séng cù... Ông dành thời gian để cải tạo lại ruộng, chú trọng khâu bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Nhờ đó, năng suất bình quân lúa 2 vụ của gia đình ông luôn đạt gần 60 tạ/ha. Ngoài ra, tận dụng lợi thế đất vườn rộng, thoáng mát, ông Quang đào ao thả cá kết hợp chăn nuôi thủy cầm. Đến nay, trang trại của ông đã có gần 1.000 m2 diện tích mặt nước; đàn ngan, vịt với số lượng lớn không chỉ phục vụ đời sống hàng ngày mà còn tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Cựu chiến binh Kiều Văn Quang cho biết: Ông mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng, thay đổi phương thức chăn nuôi...để sản phẩm làm ra cho hiệu quả kinh tế cao nhất. Nhờ nguồn vốn tích lũy được từ sản xuất, chăn nuôi, đến năm 2000, ông Quang vay mượn thêm họ hàng, bạn bè, mua đất ở trung tâm xã để mở nhà hàng kinh doanh ăn uống. Nhà hàng cũng tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2013, ông Quang bắt đầu cải tạo 2.000 m2 đất vườn để trồng bưởi Diễn. Để có giống bưởi tốt, cho quả to, thơm, ngọt, ông về tận Từ Liêm (Hà Nội) chọn mua giống và hiện vườn bưởi của gia đình ông bắt đầu cho quả. Đầu năm 2017, ông Quang triển khai trồng thử 300 m2 dưa chuột, dự kiến cuối năm 2018 này sẽ cho thu hoạch. Hiện mô hình kinh tế trang trại và dịch vụ ăn uống của cựu chiến binh Kiều Văn Quang mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Quang là một trong số những người có nhiều đóng góp trong việc gây dựng phong trào phát triển kinh tế địa phương; giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh, phát triển kinh tế. Ông Hoàng Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Than Uyên cho biết, khi xây dựng mô hình kinh tế, cựu chiến binh Kiều Văn Quang đã mạnh dạn đưa các cây, con giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào đầu tư, hình thành mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập khá, nâng cao đời sống gia đình. Nhằm động viên các cựu chiến binh vươn lên trong cuộc sống, Hội tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng hội viên và động viên, hỗ trợ kịp thời để họ từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Việt Hoàng