Ông Bùi Ngọc Liêm (trái) kiểm tra độ sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi. Ảnh: Quang Hà- TTXVN |
Mang trong mình nhiệt huyết của những cựu chiến binh, gia đình ông là một trong 10 hộ đầu tiên xung phong tham gia xây dựng vùng kinh tế quốc phòng do Quân khu 3 tổ chức ở vùng biên giới Móng Cái. Những ngày đầu lên vùng đất mới, cuộc sống muôn phần khó khăn. Hải Hà lúc đó là một xã ven biển hoang vu, đầy lau sậy và cỏ dại, không điện, không nước sạch. Nhưng với quyết tâm và bản lĩnh của người lính, ông đã mạnh dạn nhận 10 ha đất để đầu tư sản xuất, chăn nuôi lợn, gà, tôm, cá. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước và nhất là sự chịu thương, chịu khó của những người dân nơi đây, sau gần 20 năm vùng đất ven biển này đã có sự đổi thay nhanh chóng. Riêng diện tích gia đình ông Liêm nhận quản lý, khai thác giờ đã là những ao nuôi tôm theo quy trình công nghiệp hiện đại với số vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng. Công ty cổ phần Thủy sản Cát Phú do ông Bùi Ngọc Liêm làm giám đốc hiện là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ở Quảng Ninh trong lĩnh vực sản xuất, cung ứng tôm thương phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, với năng lực sản xuất mỗi vụ từ 70 – 80 tấn tôm, doanh thu ước khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Mang trong mình nhiệt huyết của những cựu chiến binh, vợ chồng ông Bùi Ngọc Liêm đã quyết định chọn Móng Cái (Quảng Ninh) là quê hương thứ hai của mình để lập nghiệp. Ảnh: Mai Hưng- TTXVN |
“Tiếng lành đồn xa”, nhiều doanh nghiệp, cơ sở và người nuôi tôm ở trong và ngoài tỉnh đã tìm đến học hỏi và đều được ông giám đốc Bùi Ngọc Liêm trao đổi cặn kẽ kinh nghiệm nuôi tôm từ cách xây dựng ao nuôi, chọn con giống, kỹ thuật chăn thả, phòng trừ bênh cho tôm…Tuy nhiên, theo ông chủ tôm Bùi Ngọc Liêm, để thu được thành công trong nghề nuôi tôm, ngoài các yếu tố về môi trường, thời tiết, vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ thì người nuôi cần phải có sự “say nghề”. Say nghề ở đây thể hiện ở chỗ người nuôi phải chịu khó học hỏi, nắm vững kỹ thuật nuôi tôm, phải tâm huyết, đau đáu với nghề vì theo ông “gái có công, chồng chẳng phụ”. Như để minh chứng điều này, ông tâm sự những ngày đầu đến với nghề nuôi tôm, gia đình ông cũng vài lần thất bại, thậm chí có lúc tưởng không gượng lại được, sạt nghiệp đến nơi. Nhưng rồi “trời không phụ công người”, dần dần ông cũng học hỏi, tìm tòi, rút ra được kinh nghiệm để rồi lại có những vụ tôm liên tiếp được mùa. Dẫn chúng tôi đi thăm các ao tôm đang chuẩn bị cho thu hoạch, ông nói chỉ cần nhìn màu nước trong ao nuôi hoặc nhìn thân con tôm là biết tôm khỏe, phát triển bình thường hay đang bị bệnh.
Một góc cơ sở nuôi tôm theo quy trình hiện đại của Công ty cổ phần thủy sản Cát Phú, thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) do ông Bùi Ngọc Liêm làm Giám đốc. Ảnh: Quang Hà- TTXVN |
Tâm huyết, yêu nghề, nặng lòng với vùng đất biên cương nơi địa đầu tổ quốc, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Cát Phú, chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Móng Cái và phó chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ninh Bùi Ngọc Liêm đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng của các Bộ, ngành trung ương và địa phương về thành tích trong sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người lao động cũng như làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo và khuyến học (ông bà Liêm có hai con, đều tốt nghiệp đại học và đã học xong chương trình thạc sỹ ở nước ngoài). Và cao hơn cả đó sự tin yêu của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân địa phương dành cho người cựu chiến binb luôn phát huy tốt phẩm chất “Anh bộ đội Cụ Hồ”./.
Mai Hưng - Quang Hà