Ông Michael Byers, một trong những chuyên gia hàng đầu của Canada về luật quốc tế và Bắc cực, cho rằng việc nước này nỗ lực đưa ra các lập luận khoa học chứng minh chủ quyền ở Bắc cực chỉ gây lãng phí tiền đóng thuế của dân. Theo ông, dựa trên luật quốc tế hiện hành, Canada không có vị thế pháp lý cho tuyên bố chủ quyền ở Bắc cực, cho dù luôn nỗ lực chứng minh thềm lục địa của nước này kéo dài tới tận điểm cực Bắc của Trái đất. Ông đưa ra lập luận trên dựa trên các quy định cụ thể trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà Canada cũng đã phê chuẩn năm 2003.
Các nước tốn nhiều công sức, tiền bạc trong giành chủ quyền ở Bắc cực.
|
Theo văn kiện này, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với toàn bộ khu vực kéo dài tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở nếu như chứng minh được rằng thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên từ lãnh thổ của họ. Khu vực chủ quyền thậm chí có thể được mở rộng ra ngoài phạm vi 350 hải lý nếu phần lục địa đó nối liền với một hay nhiều cấu trúc ngầm dưới đáy biển và các cấu trúc có cấu tạo địa chất tương tự như lục địa.
Hiện tại, một số nhà khoa học Canada khẳng định có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh rằng hai rặng Lomonosov và Alpha-Mendeleyev, chạy ngầm dưới Bắc Băng Dương nối Canada và Greenland tới Nga, là các cấu tạo nổi chạy ngầm dưới biển. Chiếu theo quy định trong UNCLOS, Canada có quyền chủ quyền đối với vùng biển bên ngoài cả phạm vi 350 hải lý và kéo dài đến tận Bắc cực.
Tuy nhiên, theo ông Byers, đây không chỉ đơn thuần là vấn đề khoa học, mà là luật pháp quốc tế về ranh giới trên biển. Ông Byers giải thích: “Rặng Lomonosov, chạy ngầm dưới đáy biển từ Siberia tới các bờ biển của Canada và Greenland, có thể là phần kéo dài tự nhiên của đảo Greenland nên sẽ thuộc về Đan Mạch. Rặng núi này cũng là phần kéo dài của lục địa châu Á nên ít nhất cũng sẽ là một phần của Nga”.
Cảnh báo của ông Byers có thể làm chùn bước những nỗ lực của Canada. Canada định trình Ủy ban LHQ về Ranh giới thềm lục địa tuyên bố chủ quyền ở Bắc cực vào năm 2018. Khu vực mà Canada nhắm tới chồng lên vùng thềm lục địa cũng đang được cả Nga và Đan Mạch tuyên bố trong các hồ sơ đã trình lên trước đó.
Ông Byers cho rằng Canada đang triển khai tiếp chính sách được chính quyền tiền nhiệm của Thủ tướng Stephen Harper khởi động từ tháng 12/2013. Vướng mắc nằm ở chỗ chính sách này được chính quyền trước xây dựng sau khi bỏ ngoài tai nhiều lời khuyên của giới khoa học và chuyên gia luật pháp quốc tế tại Canada. Sở dĩ, chính quyền cũ cố tình làm hồ sơ tuyên bố chủ quyền ở Bắc cực là vì họ không muốn bị các chính đảng đối lập chỉ trích, yếu tố bất lợi về mặt chính trị. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là chính phủ đương nhiệm cũng vẫn tiếp bước hành động này, dù biết hết những bất lợi mà Canada có thể sẽ phải đối mặt.
Việc nghiên cứu và lập hồ sơ tuyên bố chủ quyền ở Bắc cực vô cùng tốn kém. Dự án này sẽ tiêu tốn tới 100 triệu đôla Canada (CAD). Ủy ban LHQ về Ranh giới thềm lục địa phải mất từ 10-15 năm mới có thể nghiên cứu được hết hồ sơ dữ liệu của các nước chuyển lên. Sau đó, tiến trình này có thể sẽ còn bị kéo dài hơn nếu như các hồ sơ không được lập dựa trên những thỏa thuận đạt được giữa các nước.
Trong khi đó, theo ông Byers, việc sở hữu thềm lục địa tại điểm cực Bắc của Trái đất chỉ mang lại rất ít lợi ích trên thực tế. Đây là một trong những vùng khắc nghiệt nhất thế giới nên sẽ không thể đem lại nhiều giá trị về mặt kinh tế. Việc đệ trình hồ sơ chỉ nhằm xác định xem nước nào sẽ có quyền chủ quyền đối với vùng đáy biển và các nguồn tài nguyên mà muốn khai thác không phải dễ.
Ông Bayers kết luận: “Thực tế trần trụi là Bắc cực rất xa và nguy hiểm, nhưng chúng ta lại đang lãng phí hàng trăm triệu đôla để giữ cho các nhà chính trị khỏi bị chỉ trích”.