Cử tri Lạng Sơn kiến nghị tiếp tục quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới

Cử tri huyện Chi Lăng phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN
Cử tri huyện Chi Lăng phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Từ ngày 16 - 24/11, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn tiếp xúc cử tri các huyện Tràng Định, Bình Gia, Cao Lộc và Chi Lăng. Cùng tham gia các buổi tiếp xúc cử tri có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo các huyện.

Cử tri Lạng Sơn kiến nghị tiếp tục quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới ảnh 1Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm tiếp xúc cử tri tại huyện Bình Gia. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Tại các buổi tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trước cử tri. Tại kỳ họp, Đoàn đã có 35 lượt phát biểu thảo luận tổ và 7 lượt phát biểu thảo luận tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Các ý kiến phát biểu của Đoàn được đánh giá cao, đặc biệt có 2 ý kiến đã được tiếp thu đưa vào Nghị quyết, trong đó có 1 ý kiến về hoạt động chất vấn và 1 ý kiến về phiên tòa trực tuyến.

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri các huyện biên giới phản ánh đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn nhiều vấn đề nổi bật như: Công tác bảo vệ, phát triển rừng; đầu tư xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới; đầu tư xây dựng cầu vượt suối ở các thôn bị sông, suối chia cắt; nâng cấp các tuyến đường liên thôn, liên xã; quy định về hành lang an toàn giao thông ở khu vực miền núi; quan tâm đầu tư hạ tầng các xã khó khăn vùng biên giới; tăng cường các dự án phát triển kinh tế vùng khó khăn. Cử tri cũng quan tâm đến các cơ chế, chính sách của Nhà nước cho người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn; chính sách cho cán bộ, viên chức công tác tại khu vực biên giới; chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở xã biên giới.

Cử tri Lạng Sơn kiến nghị tiếp tục quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới ảnh 2Cử tri huyện Chi Lăng phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Thái Thuần – TTXVN

Tại các điểm tiếp xúc khác, các cử tri phản ánh các vấn đề cụ thể như kiến nghị Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ nguồn vốn cho các xã đặc biệt khó khăn khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tăng kinh phí hỗ trợ cho việc bảo vệ rừng tự nhiên, hỗ trợ phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, trồng mới rừng tại các khu rừng nghèo kiệt; lựa chọn giống cây trồng phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với ứng phó biến đổi khí hậu; hỗ trợ khoanh nuôi và bảo vệ rừng phòng hộ; công tác giao đất, giao rừng, có cơ chế chính sách đặc thù về cải tạo đất rừng nghèo kiệt để người dân trồng cây lâm nghiệp phát triển kinh tế…

Cùng với đó, các cử tri cũng kiến nghị tới các Đại biểu Quốc hội các vấn đề khác như: đầu tư trạm phủ sóng điện thoại và công nghệ thông tin phục vụ việc học tập; quan tâm chính sách hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho bà con trong phát triển sản xuất chăn nuôi; công tác đền bù, hỗ trợ người dân khi thu hồi đất làm hành lang giao thông đường bộ; hỗ trợ phủ sóng viễn thông đến các khu vực vùng xa; tiếp tục quan tâm cải tạo, hỗ trợ xây dựng giao thông nông thôn các thôn, xã khó khăn; đảm bảo lưới điện đến các thôn đặc biệt khó khăn; có chính sách đặc thù đối với đối tượng là giáo viên mầm non; chính sách hỗ trợ đối với cán bộ công chức xã; chính sách bảo hiểm y tế đối với hộ nghèo; có chính sách hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn về chế độ bán trú, bảo hiểm y tế…

Sau khi nghe ý kiến của cử tri tại các điểm tiếp xúc, đại diện các sở, ngành của tỉnh Lạng Sơn và lãnh đạo các huyện đã trao đổi, trả lời các kiến nghị liên quan đến ngành và địa phương trong thẩm quyền.

Đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã phân tích, làm rõ một số nội dung kiến nghị của cử tri về chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa và đề nghị lãnh đạo các huyện và các sở, ngành tiếp thu ý kiến của cử tri, tổ chức kiểm tra, rà soát các kiến nghị để kịp thời điều chỉnh, hỗ trợ cho người dân; qua đó, tạo động lực để nhân dân yên tâm phát triển kinh tế, ổn định đời sống; đồng thời tiếp thu, tổng hợp để gửi tới các cơ quan chức năng xem xét giải quyết trong thời gian tới.

Thái Thuần

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm