Bắc Hà là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của Lào Cai. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Bắc Hà đã tập trung giúp người dân nâng cao thu nhập - đây được coi là trụ cột an sinh ở các bản làng. Có thu nhập, có tích lũy, tư duy của người dân dần thay đổi: mạnh dạn, tự tin, hăng say lao động vươn lên thoát nghèo. Do đó, tỷ lệ giảm nghèo của huyện đạt cao nhất tỉnh Lào Cai.
Hoàng Thu Phố (Bắc Hà) là 1 trong 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh Lào Cai. Sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch đang là một trong những giải pháp đem lại hiệu quả khơi dậy khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu của người dân địa phương.
Nằm ven ngay tuyến đường liên xã, quả đồi rộng hơn 1ha nhà anh Tráng Seo Khúa, thôn Hoàng Hạ được bao bọc bởi sắc tím cát cánh. Vào 10 năm trước, anh cũng như bao người dân ở xã Hoàng Thu Phố mỗi năm vẫn chỉ trông chờ vào ruộng ngô, cây lúa.
Song từ khi cây dược liệu cát cánh xuất hiện, mọi thứ đã thay đổi. Thói quen canh tác lạc hậu dần được thay thế bởi hình thức kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Ngô, lúa dần nhường chỗ cho cát cánh nở hoa. “Theo tính toán, mỗi một ha cây cát cánh có thể mang lại thu nhập từ 150-170 triệu đồng”, anh Khúa phấn khởi cho biết.
Ngoài ra, cũng trên diện tích này, anh trồng thêm 2.700 gốc lê tai nung; trong đó, có hơn 400 gốc lê bước vào thời kỳ cho thu hoạch quả. Là người tiên phong đưa các giống cây này trồng ở vườn đồi thay thế các loại cây truyền thống, thời gian đầu anh Khứa không khỏi cảm thấy lo lắng. Nhờ sự hỗ trợ, động viên của chính quyền địa phương, năm 2013 anh trồng 400 gốc lê tai nung đầu tiên. Sau 5 năm, vườn lê đã cho thu hái quả. Năm 2023, trừ chi phí, gia đình anh thu về hơn 100 triệu đồng.
Ngay từ đầu năm, khi lê bắt đầu ra hoa, đậu quả, xã Hoàng Thu Phố đã cử cán bộ khuyến nông đến trực tiếp hướng dẫn gia đình anh kỹ thuật vít cành, tỉa quả. Do chăm sóc đúng kỹ thuật, lại được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thời tiết ôn hòa nên năm nay lê sai quả, có những quả lê đạt cỡ 400-500g (2 quả/kg). Năm 2023, gia đình anh Khứa ước tính thu về hơn 250 triệu đồng từ lê và cát cánh, gấp 10 lần so với trồng ngô trên cùng đơn vị diện tích.
Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố Trần Văn Cường cho biết, quá trình vận động người dân tham gia phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng không thể diễn ra một sớm một chiều. Tấm gương điển hình như anh Khúa là minh chứng rõ nét và sinh động nhất giúp lan tỏa tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo ra toàn xã.
Từ chỗ chưa tin, chưa làm, giờ đây, đã có trên 50 hộ, tức là khoảng một phần tư số gia đình ở thôn Hoàng Hạ chuyển đổi hơn 100 ha đất trồng các loại cây cho giá trị kinh tế thấp sang trồng lê, cát cánh đem lại nguồn thu nhập khá và ổn định.
Ban đầu, người dân trồng lê và cát cánh chỉ với mục đích kinh doanh nông sản. Thế nhưng, 2 năm gần đây, mỗi mùa lê và cát cánh nở hoa, thường xuyên có nhiều đoàn khách đến tham quan, chụp ảnh tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân bản địa.
Ngoài lợi thế về cây ăn quả và cây dược liệu, Hoàng Thu Phố với độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ nên sở hữu rừng chè Tuyết shan cổ thụ với trên 2.300 gốc có tuổi đời hàng trăm năm.
Những gốc chè cổ thụ trăm tuổi, đã sống qua 3 - 4 thế hệ, giờ đây được người dân bảo vệ, gìn giữ như báu vật khi lá chè bán được giá cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định, trở thành cây “mũi nhọn”.
Không chỉ vậy, vài năm trở lại đây, rừng chè Shan tuyết cổ thụ của Hoàng Thu Phố đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước, trong hành trình khám phá “Cao nguyên trắng” Bắc Hà thơ mộng, giàu bản sắc.
Hạ tầng kỹ thuật: điện, đường, trường, trạm được nhà nước đầu tư cơ bản hoàn thiện; người dân dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong sản xuất nông lâm nghiệp...
“Tất cả những điều này đã giúp khơi dậy nội lực người dân Hoàng Thu Phố, loại bỏ triệt để tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo", Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố chia sẻ.
Nhờ đó, liên tục nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của Hoàng Thu Phố giảm trên 10%/; năm 2023, dự kiến giảm trên 12%. Đến năm 2025, xã phấn đấu thoát khỏi nhóm 10 xã nghèo nhất của tỉnh.
Mục tiêu của Bắc Hà là đến năm 2025, địa phương thoát khỏi huyện nghèo, trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Lào Cai. Điều đó đang ngày càng sớm trở thành hiện thực nhờ vào việc khơi dậy tiềm năng, nội lực từ con người và tài nguyên nơi đây.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Hà Chu Thị Dương cho biết, huyện xác định để thực hiện hiệu quả việc giảm nghèo phải lấy người dân là trọng tâm, với mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, xã hội hóa để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo hài hòa, bền vững.
Với nguồn lực từ Trung ương thông qua triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, việc giảm nghèo trên địa bàn huyện Bắc Hà đã đạt được nhiều kết quả tích cực; tỷ lệ giảm nghèo nhanh và vượt mục tiêu đề ra, bình quân tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đạt trên 8,43%/năm.
Đặc biệt, năm 2022, huyện giảm được 1.180 hộ nghèo, đạt 8,78% và là huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất tỉnh. Dự kiến năm 2023, toàn huyện giảm 1.177 hộ nghèo, đạt 8,52%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 10,66%.
Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa việc giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bắc Hà cho biết, địa phương tiếp tục cụ thể hóa các nội dung để triển khai thực hiện kế hoạch, đề án của tỉnh, huyện về tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bắc Hà khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh đổi mới các hình thức sản xuất nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Địa phương tập trung cho những sản phẩm nông nghiệp được coi là tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn với chế biển đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu; quan tâm phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm); đổi mới, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của huyện, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo quy định; lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn; khai thác, phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách khác của Trung ương, của tỉnh gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.
Hương Thu