Ngày 30/3, UBND huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng và Danh lam thắng cảnh Mắt thần núi, huyện Trùng Khánh.
Di tích lịch sử địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng (1966 - 1978) - nơi được chọn là một trong nhiều địa điểm trên toàn quốc lập mạng đài dự phòng cho phát sóng, phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Nhiệm vụ Điện đài A3 phát sóng đối nội, đối ngoại, phát đi châu Âu thực hiện nhiệm vụ chính trị, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại... góp phần đảm bảo làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam duy trì thông suốt trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước 1966-1978. Đây cũng là nơi ghi dấu những tháng ngày hoạt động của cán bộ, nhân viên Đài Tiếng nói Việt Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Danh lam thắng cảnh Mắt thần núi, xã Cao Chương nằm trong hệ thống di sản của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, thuộc tuyến du lịch phía Đông "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên". Mắt thần núi nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh với hệ thống 36 hồ liên thông nhau một cách độc đáo cùng các dòng chảy trên bề mặt và dòng chảy ngầm (trong đó có hồ Thang Hen, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa). Mắt thần núi gắn với truyền thuyết chàng trai người Tày tên là Sung thông minh, tài giỏi, với 36 bước chân trên đường về Kinh đã tạo ra 36 hồ lớn nhỏ. Còn lỗ thủng trên vách núi là ngón chân của chàng Sung khi đi bị vấp đã chọc thủng vách đá tạo thành Mắt thần núi hiện nay... Đây là thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo. Vẻ đẹp tự nhiên vốn có của Mắt thần núi thu hút du khách thập phương đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Với những giá trị tiêu biểu, độc đáo, đặc sắc về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử địa điểm Đài Tiếng nói Việt Nam hang Ngườm Chiêng và Danh lam thắng cảnh Mắt thần núi, xã Cao Chương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lê Hải Hòa đề nghị, huyện Trùng Khánh xây dựng nội quy, quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đến tham quan, học tập; thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Di sản văn hóa về bảo vệ và phát huy di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ học sinh về hệ thống các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn và nhân vật lịch sử của địa phương.
Địa phương đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đầu tư nhiều hơn nữa trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tỉnh Cao Bằng nói chung, di tích lịch sử văn hóa nói riêng của huyện Trùng Khánh; gắn kết chặt chẽ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, góp phần đưa hình ảnh của Trùng Khánh đến với du khách trong nước, quốc tế.
Quốc Đạt