Hiện nay, bão có tên quốc tế là Tembin đang hoạt động cách đảo Pa-la-oan (Philippines) khoảng 280km, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 13. Dự báo sáng 24/12 bão sẽ đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 16 và tiếp tục mạnh thêm. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp, có khả năng đổ bộ trực tiếp vào đất liền trong thời điểm triều cường với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (cường độ mạnh nhất chưa từng xảy ra trong khu vực); là vùng có quy mô kinh tế, đặc điểm dân sinh, thiết chế hạ tầng, đặc điểm tự nhiên dễ bị tổn thương khi bão đổ bộ.
Tàu cá neo đậu tránh bão bên bờ biển thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải- TTXVN |
Rút kinh nghiệm, tránh tư tưởng chủ quan và để giảm thiệt hại như đã xảy ra với bão số 12 vừa qua và bão Linda năm 1997, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng:
- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của bão, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; không để tàu thuyền ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
- Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, trên cù lao đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường. Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn; trong đó đặc biệt đối với huyện đảo, xã đảo như Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu)...
- Kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến (kể cả các tàu vận tải; tàu vãng lai trên sông, trên biển; các bến phà,…), khu vực neo đậu quanh các đảo, khu lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản trên biển và đất liền nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản.
- Tổng rà soát các phương án, kịch bản ứng phó. Đặc biệt, cần tăng cường trang thiết bị, nguồn lực để kịp thời chỉ đạo điều hành được thông suốt trong các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó hiệu quả với bão.
- Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, các trọng điểm sạt lở bờ sông, bờ biển xung yếu, các công trình đang thi công, chống ngập đô thị do ảnh hưởng của nước dâng, triều cường và gió mạnh.
- Kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, hệ thống lưới điện, thông tin, cơ sở dịch vụ du lịch, chặt tỉa cành cây và các công trình công cộng, dân sinh khác để đảm bảo an toàn.
- Khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản theo phương châm xanh nhà hơn già đồng.
- Phân công các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trực tiếp đến địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”; đặc biệt cần tăng cường các hình thức thông tin truyền thông ứng phó với bão đến cộng đồng.
2. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo rà soát phương án, sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực xung yếu để thực hiện việc sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn đê điều, công trình thủy lợi; hướng dẫn, kiểm tra việc neo đậu tàu thuyền, gia cố khu nuôi trồng thủy sản, thu hoạch sản phẩm nông nghiệp.
4. Bộ Công Thương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện; chuẩn bị dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phù hợp để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.
5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo sẵn sàng biện pháp bảo đảm giao thông trên các tuyến giao thông chính; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở do mưa lũ để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, tăng dày các bản tin dự báo, cảnh báo, cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời truyền tải đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
7. Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị giúp đỡ các ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão và đảm bảo an toàn.
8. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ lên kế hoạch cụ thể phối hợp với chính quyền địa phương tổng rà soát các phương án cụ thể để chủ động xử lý trong các tình huống trước, trong và sau bão; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
9. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí nhất là các đài phường, xã tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó để người dân biết chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại nhất là các vùng trên đảo, trên sông, trên biển, ven biển, khu nuôi trồng thủy sản, vùng sâu, vùng xa.
10. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; chủ động thành lập các đoàn công tác liên ngành trực tiếp chỉ đạo, phối hợp với địa phương xử lý trong các tình huống cấp bách; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền./.
TTXVN