Công bố Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài, Phú Yên

Công bố Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài, Phú Yên
Theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg, ngày 29/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài thuộc địa bàn thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 1.200 ha (chưa bao gồm diện tích mặt nước). Quan điểm phát triển khu du lịch là dựa vào lợi thế cơ bản mặt nước vịnh, giá trị cảnh quan của gành Đá Đĩa để hình thành các sản phẩm đặc thù, tạo thương hiệu riêng cho vịnh Xuân Đài.
 
Nhất Tự Sơn là một trong những hòn đảo đẹp nhất của Vịnh Xuân Đài, thuộc xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
 Nhất Tự Sơn là một trong những hòn đảo đẹp nhất của Vịnh Xuân Đài, thuộc  xã Xuân Thọ 1, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Mục tiêu đến năm 2025, vịnh Xuân Đài trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi của tỉnh Phú Yên và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ. Nơi đây sẽ đón khoảng 850 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 25 nghìn lượt khách quốc tế và là một điểm đến quan trọng kết nối các điểm du lịch khác như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang và khu vực Tây Nguyên. Đến năm 2030, Khu du lịch vịnh Xuân Đài sẽ đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 35 nghìn lượt khách quốc tế và cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho biết: Vịnh Xuân Đài là địa điểm du lịch nổi tiếng của Phú Yên. Khi được Chính phủ quy hoạch để trở thành Khu du lịch quốc gia đến năm 2030 sẽ là cơ hội lớn để phát triển. Vịnh Xuân Đài sẽ là một điểm nối  trong chuỗi du lịch ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Qua đó, tạo một chuỗi kết nối các địa điểm du lịch nổi tiếng của khu vực này với nhau trong tương lai. Tỉnh Phú Yên cần sớm hoàn thiện các quy hoạch chi tiết và có chiến lược thu hút đầu tư.

Khu du lịch vịnh Xuân Đài sẽ phát triển các sản phẩm chủ đạo như: du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tham quan trên vịnh; du lịch thể thao vui chơi, giải trí; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa – lịch sử. Ngoài ra còn có các sản phẩm bổ trợ gắn với làng nghề truyền thống và sự kiện văn hóa lễ hội địa phương.
Xuân Triệu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm