Ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông (Kon Tum) cho biết, cơ quan chức năng đang kiểm tra vấn đề thông tin, quảng bá các sản phẩm sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, do bà Phạm Thị Mỹ Hạnh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty.
Trước đó, cuối tháng 6/2023, cơ quan Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã có văn bản số 1959/CACG-CSKT gửi Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông. Theo đó, Công an quận đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh. Qua công tác nắm tình hình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh thường xuyên quảng cáo, giới thiệu với nhà đầu tư, khách hàng về hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến sâm Ngọc Linh.
Để phục vụ công tác nắm tình hình, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động của công ty, Công an quận Cầu Giấy đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến thủ tục pháp lý, hoạt động trồng, sản xuất các sản phẩm sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông do bà Phạm Mỹ Hạnh là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Plông Đặng Quang Hà cho biết: Huyện không cấp chủ trương trồng sâm Ngọc Linh cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh và Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông. Huyện Kon Plông không nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý và không nằm trong vùng quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh. Tỉnh Kon Tum và huyện chưa đặt vấn đề phát triển sâm Ngọc Linh tại các xã. Huyện Kon Plông có nhiều dự án đầu tư về nông nghiệp, dược liệu nhưng chưa có dự án đầu tư nào được cấp chủ trương trồng sâm Ngọc Linh. Huyện chưa có chủ trương nào để doanh nghiệp, hợp tác xã trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Nếu doanh nghiệp trồng sâm, quảng bá sâm là không đúng quy định.
Trước đó, trong tháng 1 - 2/2022, phóng viên TTXVN đã có tin, bài phản ánh về tình trạng Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh “mập mờ” với thương hiệu sâm Ngọc Linh tại Kon Tum. Cụ thể, thành lập năm 2017, đến năm 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh đã có hàng chục sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh mang thương hiệu của riêng mình. Trong khi đó, với sâm Ngọc Linh, sâm củ phải được trồng ít nhất 6 năm mới khai thác để chế biến ra sản phẩm. Để thuyết phục nhà đầu tư, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh “tung” ra hàng loạt hình ảnh vườn sâm Ngọc Linh đã được trồng bài bản, một số hình ảnh đẹp, bắt mắt. Trong đó, một số hình ảnh trùng khớp với vườn sâm của của các công ty trồng sâm được tỉnh Kon Tum cấp phép trồng tại núi Ngọc Linh. Sau loạt tin bài trên, đến nay, website của Công ty đã gỡ bỏ hết thông tin các sản phẩm trên.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh không phải là trường hợp cá biệt trong việc lợi dụng thương hiệu Quốc bảo sâm Ngọc Linh để lừa dối nhà đầu tư, người tiêu dùng nhằm trục lợi.
Cao Nguyên