Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam dùng giấy xác nhận bị thu hồi để đăng ký sản phẩm bảo vệ sức khỏe

Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam dùng giấy xác nhận bị thu hồi để đăng ký sản phẩm bảo vệ sức khỏe

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) để xác minh thông tin về việc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam (địa chỉ số 44, ngõ 120 Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) dùng giấy xác nhận của huyện để làm hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm bảo vệ sức khoẻ (số 1525/ATTP-SP ngày 6/7).

Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam dùng giấy xác nhận bị thu hồi để đăng ký sản phẩm bảo vệ sức khỏe ảnh 1Cây sâm Ngọc Linh. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN

Cụ thể, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiếp nhận xử lý hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm bảo vệ sức khoẻ Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam. Trong hồ sơ, công ty có cung cấp giấy xác nhận (bản phô tô) ngày 30/5/2022 của UBND huyện Tu Mơ Rông về một số nội dung liên quan đến Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum (địa chỉ xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông, là đơn vị thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam) để làm cơ sở giải quyết hồ sơ doanh nghiệp. Trong giấy xác nhận bản phô tô có nội dung “Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum đã và đang sản xuất giống, trồng, bảo vệ, bảo tồn và khai thác cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum theo Quyết định 4025 ngày 18/12/2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ”.

Khẳng định với phóng viên TTXVN, ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết giấy xác nhận trên đã bị thu hồi từ ngày 31/12/2022 (văn bản thu hồi giấy xác nhận trên đã được UBND dân huyện Tu Mơ Rông gửi cho Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum). Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum không có liên kết trồng sâm với người dân trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Tại huyện Tu Mơ Rông, Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum có triển khai dự án nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh ở xã Ngọk Lây. Đến tháng 10/2022, UBND tỉnh Kon Tum cho chủ trương liên kết đưa cây nuôi cấy mô thí điểm ra trồng ngoài tự nhiên. Đến nay, chưa có kết quả công bố dự án thí điểm nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh có thành công hay không, cây sâm nuôi cấy mô cũng chưa thu hoạch được.

Trước đó trong tháng 1/2023, phóng viên TTXVN đã có nhiều tin bài phản ánh về việc Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam dù chưa trồng một cây sâm nào nhưng vẫn công bố sở hữu vườn sâm Ngọc Linh “lớn nhất thế giới” với diện tích 600 ha được trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh.

Trên thực tế, Công ty cổ phần rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum, một thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam hiện đang triển khai nuôi cấy mô (được 4 năm), vừa được bàn giao hơn 24,4 ha vào cuối tháng 10/2022 để liên kết thí điểm đưa cây sâm giống nuôi cấy mô ra ngoài thực địa tại huyện Tu Mơ Rông. Chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã lên tiếng phản bác các con số về vườn sâm lớn nhất thế giới trên. Cụ thể, toàn tỉnh Kon Tum chỉ có hơn 60 ha sâm Ngọc Linh (trừ diện tích 2 công ty được tỉnh công nhận là Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô). Tại tỉnh Quảng Nam, hiện các công ty thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh chỉ trồng hơn 34 ha. Kon Tum và Quảng Nam là 2 tỉnh chung đỉnh Ngọc Linh, cùng sở hữu chỉ dẫn địa lý về sâm. Vì vậy, con số 600 ha sâm Ngọc Linh được Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam công bố là không có thực.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum (thành viên của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam) công bố liên kết với hộ dân tại Tu Mơ Rông trồng sâm (xã Ngọc Lây 10 hộ, bình quân mỗi hộ từ 5-10 ha, xã Măng Ri liên kết 3 hộ với 10 ha…) được lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông khẳng định là không trung thực.

Sau loạt tin bài phản ánh trên, Vườn sâm Ngọc Linh “lớn nhất thế giới” của Công ty cổ phần Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã lặng lẽ “biến mất” trên website của Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam. Mặc dù không sở hữu, trồng vườn sâm Ngọc Linh nào nhưng thời gian qua Công ty cổ phần Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh Việt Nam vẫn liên tiếp mở các cửa hàng bán sâm Ngọc Linh và các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh trên khắp các địa phương trong cả nước.

Đã đến lúc các ngành chức năng cần phải mạnh tay, xử lý các công ty, doanh nghiệp lợi dụng Quốc bảo sâm Ngọc Linh để lừa dối người tiêu dùng, kinh doanh, trục lợi.

Cao Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm