Bài 2 - Ngăn chặn thất thoát vốn nhà nước
Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk đầu tư 700 tỷ đồng vào nuôi bò sữa theo tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: Trịnh Duy Hưng - TTXVN |
Câu chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, hay cảng Quy Nhơn thời gian qua là một điển hình cho việc mất giá vốn nhà nước. Cụ thể, Hãng phim truyện Việt Nam đã chính thức về tay Tổng Công ty Vận tải thủy, có giá trị chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Trong khi, theo Quyết định 4126/QĐ-BVHTTDL ngày 26/11/2015 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tổng giá trị thực tế của Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam tại thời điểm 30/09/2014 là hơn 91,7 tỷ đồng. Từ đó, có một số ý kiến nghi ngờ về việc Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam đã được bán với giá thấp hơn giá thực tế, chưa bao gồm cả thương hiệu và hơn 1,4 ha đất do Hãng nắm quyền sở hữu. Trong đó, có khu đất vàng số 4 Thụy Khuê, tại ngõ 151 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình và những trường quay ở vị trí đắc địa khác tại Thành phố Hồ Chí Minh không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa. Hay như quá trình thoái hết toàn bộ vốn nhà nước tại Cảng Quy Nhơn để chuyển nhượng cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi liệu có lợi ích nhóm trong vấn đề này hay không khi xác định giá trị Cảng Quy Nhơn chỉ có 404 tỷ đồng? Ngay cả khi Thanh tra Chính phủ đã có quyết định chính thức về những sai phạm trong quy trình xác định giá trị doanh nghiệp, đất đai… của quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Cảng Quy Nhơn thì vẫn còn những bài học cần được rút ra trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Cầu cảng bốc xếp container của cảng Quy Nhơn. Ảnh: Nguyên Linh - TTXVN |
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài Chính) Đặng Quyết Tiến cho hay, vấn đề lớn nhất rút ra qua hai đề án cổ phần hóa trên là tính tuân thủ pháp luật. Ở đây không chỉ là pháp luật về cổ phần hóa mà còn là pháp luật liên quan đến đất đai, xác định giá trị doanh nghiệp và những quy định đặc thù của ngành như Cảng Quy Nhơn là quy định về cơ sở hạ tầng … Tất cả các quy định đó nhằm đảm bảo xác định tính đúng, tính đủ, sát thị trường về giá trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi xác định được giá trị doanh nghiệp thì phải đảm bảo công khai minh bạch. Cần có sự trao đổi giữa các bên trong Ban chỉ đạo cổ phần hóa, để có sự phản biện, kiểm tra kiểm chứng giúp cho việc xác định đúng giá trị. Nếu cần thiết thì yêu cầu Kiểm toán Nhà nước kiểm toán lại việc này. TS Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, xác định giá trị doanh nghiệp phải theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ cả ba yếu tố: tài sản hiện có, lợi thế kinh doanh và khả năng sinh lợi. Theo ông Đặng Quyết Tiến, trong quá trình cổ phần hóa, việc xác định giá trị doanh nghiệp trước khi cổ phần là giai đoạn then chốt, làm tiền đề cho việc phê duyệt phương án cổ phần hóa về sau. Nhưng thời gian qua, việc xác định giá trị doanh nghiệp cho thấy còn có nhiều bất cập, dẫn tới nguồn lực nhà nước tại các doanh nghiệp này có thể sẽ bị giảm bớt. Ông Đặng Quyết Tiến cũng thừa nhận, việc xác định giá trị, nhượng quyền sử dụng thương hiệu, góp vốn liên doanh, liên kết... bằng giá trị thương hiệu đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở Việt Nam vẫn còn là một khoảng trống bỏ ngỏ. Tuy nhiên, “việc xác định giá trị thương hiệu, tuy khó không phải là không làm được, đều có các phương pháp khác nhau để có thể tính đúng. Vấn đề ở đây là đạo đức hay chuẩn mực nghề nghiệp của cơ quan tư vấn. Do đó, thời gian tới, Chính phủ đã quy định theo hướng thị trường tư vấn cung cấp dịch vụ theo hợp đồng, không khống chế các chi phí định giá trong cổ phần hóa để đảm bảo chất lượng từ tư vấn. Theo đó, tư vấn được áp dụng nhiều phương pháp định giá doanh nghiệp theo pháp luật giá; khuyến khích sự tham gia của tư vấn quốc tế...”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết. Các văn bản pháp luật từ trước đến nay không quy định Bộ Tài chính đánh giá giá trị tài sản mà chủ sở hữu là bộ, ngành, UBND các tỉnh và doanh nghiệp đề xuất thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp. Giá trị doanh nghiệp do bộ, ngành và UBND tỉnh phê duyệt, còn doanh nghiệp lớn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính tham gia khi có yêu cầu của Thủ tướng - ông Đặng Quyết Tiến khẳng định. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước xác định giá trị của 7 doanh nghiệp, đã làm tăng vốn nhà nước lên trên 20.800 tỷ đồng. Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục làm tại 6 doanh nghiệp và cũng làm tăng vốn nhà nước lên trên 8.900 tỷ đồng. Như vậy có nghĩa là tính bình quân mỗi doanh nghiệp này làm thất thoát trên 1.000 tỷ đồng, nếu không kiểm toán lại. Nếu việc này được triển khai sớm hơn khoảng chục năm, chắc sẽ chặn đứng được dòng chảy thất thoát về tài sản của nhà nước. Tiến sĩ Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, một vấn đề khác trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn có nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước là khâu định giá tài sản doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp khi định giá tài sản nhà cửa, vật liệu kiến trúc… đã không tuân thủ việc ưu tiên áp dụng đơn giá xây dựng cơ bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành tại thời điểm gần nhất… Vì vậy, nếu thực hiện cổ phần hóa không tốt, không đúng lộ trình và vội vã sẽ gây nguy cơ thất thoát vốn nhà nước. Việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp trong phương án cổ phần hóa được thực hiện trên cơ sở diện tích đất doanh nghiệp tiếp tục được giao sử dụng trong phương án cổ phần hóa và giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật về đất đai. Việc xử lý giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa được thực hiện theo quy định của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng phải đảm bảo nguyên tắc giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất là giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định. Ông Đặng Quyết Tiến cũng chỉ ra pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan đã quy định việc quản lý, sử dụng đất trong và khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đảm bảo phù hợp nhu cầu sử dụng đất của doanh nghiệp, quy định về quản lý, sử dụng đất và theo nguyên tắc thị trường. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp là rất quan trọng. Quan trọng hơn là sau cổ phần hóa, chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp có đất đai phải quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt là mục đích sử dụng đất, quy hoạch xây dựng khi doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất sang đất ở, đất thương mại thì phải thu hồi, đấu giá công khai để thu về cho Nhà nước với giá trị cao nhất và trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương nơi trực tiếp quản lý đất đai. Để phòng ngừa thất thoát vốn nhà nước sau cổ phần hóa, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần. Nghị định này có những điểm mới sẽ hạn chế thất thoát vốn nhà nước. Ông Đặng Quyết Tiến cho biết sau gần 1 năm có hiệu lực (1/1/2018) Nghị định 126 đã tháo gỡ được một số vướng mắc trong quá trình cổ phần giai đoạn 2011 - 2016 như thời gian cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, xác định giá khởi điểm chào bán, chính sách bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, xử lý về tài chính, công nợ. Có thể nhận thấy các giải pháp quan trọng để ngăn chặn được tình trạng thất thoán vốn nhà nước trong cổ phần hoá là thay đổi nhận thức, thực hiện đầy đủ, đúng nguyên tắc tuân thủ pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch thông tin, theo thị trường trong định giá, trong tổ chức bán cổ phần, lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp trong thực thi kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành chỉ đạo của chủ sở hữu và kiên quyết xử lý các cá nhân không quyết liệt, thiếu trách nhiệm, không đảm bảo tiến độ, nguyên tắc quy định trong chỉ đạo, tổ chức cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, bao gồm cả nội dung chấp hành kỷ luật hành chính của các cá nhân, tổ chức; trong đó tập trung các khâu trọng yếu như định giá doanh nghiệp, quản lý, sử dụng đất, bán đấu giá cổ phần, thoái vốn. Ngoài ra, cần tăng cường công khai rộng rãi thông tin quá trình thực hiện, kết quả thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo đúng quy định để người lao động, nhà đầu tư, cộng đồng xã hội biết, phản biện, giám sát, thống nhất đồng thuận trong thực hiện. Mặt khác, phát huy tính tích cực, vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong giải pháp quan trọng này.(Còn tiếp)
Thùy Dương