Chế biến sản phẩm cá ngừ đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN |
Bài 1- Không tiến hành bằng mọi giá
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, đến hết tháng 9/2018 cả nước mới cổ phần hóa được 11 doanh nghiệp với tổng giá trị là 29.634 tỷ đồng; trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.329 tỷ đồng. Cũng trong 9 tháng, các đơn vị đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản đã thoái trong năm 2017 mới được báo về. Trong cả giai đoạn từ năm 2011 đến 2017, cả nước đã cổ phần hoá 632 doanh nghiệp với tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước được xác định lại khoảng 374 nghìn tỷ đồng.
Nhìn lại quá trình cổ phần hóa vừa qua, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng có rất nhiều mô hình tốt như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV gas), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline), một số doanh nghiệp dược phẩm đã cổ phần hóa đều có hoạt động tốt hơn.
Hay như phiên đấu giá cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Khách sạn Kim Liên thành công; kết quả phê duyệt phương án cổ phần hóa của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), bán bớt cổ phần nhà nước của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)..., thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng có thể xem như những điểm sáng trên thị trường.
Bia Cao cấp SAIGON GOLD - Sản phẩm mới của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn |
Hiện nay, về mặt thể chế, Chính phủ đã ban hành đầy đủ các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ, bảo đảm nguyên tắc thị trường, minh bạch, công khai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp. Gần như đã có đầy đủ các phương thức, quy trình, cách thức tổ chức cho cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cũng như thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, tiến độ cổ phần hóa còn chậm, có khả năng không đạt được số lượng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, bao gồm 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018. Tuy nhiên tính đến nay mới cổ phần hóa được khoảng 10% so với kế hoạch. Song, không phải vì thế mà chúng ta phải cổ phần hóa, thoái vốn bằng mọi giá”, ông Đặng Quyết Tiến cho biết thêm.
Theo các chuyên gia kinh tế, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều những khó khăn vướng mắc đã khiến cho tiến độ này bị chậm so mới kế hoạch cần được tháo gỡ.
Ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Chính sách công, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, rào cản lớn nhất làm giảm tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chính là lợi ích của những người điều hành trực tiếp doanh nghiệp nhà nước bởi những quyền lợi, đặc ân của những cá nhân đó sẽ giảm đi.
Nói rõ hơn, ông Huỳnh Thế Du cho biết có một trục trặc khác xảy ra là lâu nay Nhà nước giữ lượng cổ phần chi phối trên 50%. Việc nắm giữ cổ phần từ 51% là có quyền quyết định. Nhưng nếu cá nhân nào đó nắm khoảng 30-40% cổ phần của doanh nghiệp và chỉ cần mua thêm một ít cổ phần nữa lên 51% thì sẽ có quyền quyết định, lúc đó Nhà nước nắm giữ 49% sẽ xảy ra nhiều vấn đề.
“Do đó, tôi cho rằng còn một bước rất quan trọng là không thể cho phép người đã nắm 45% cổ phần mua thêm quá 5%, phải có cơ chế đảm bảo toàn bộ phần vốn còn lại được bán thông qua quá trình đấu giá công khai, hoặc đảm bảo có một số người có thể mua đảm bảo cân bằng trong doanh nghiệp thì mới tạo ra quá trình phát triển lành mạnh. Nếu không sẽ có sự thất thoát của vốn, thất thoát nguồn lực Nhà nước” ông Huỳnh Thế Du phân tích.
Đồng quan điểm, ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lớn Đảng, Nhà nước. Những năm qua, chất lượng cổ phần hóa đã nâng lên rất nhiều với các thương vụ lớn, minh bạch, gia tăng lợi ích của Nhà nước, nhưng tiến độ vẫn chậm. Nguyên nhân là do tâm lý các lãnh đạo doanh nghiệp khi cổ phần hoá là nấn ná chưa từ bỏ quyền hạn của mình với các doanh nghiệp, còn cơ quan quản lý chưa nghiêm khắc, đôn đốc, giám sát doanh nghiệp khi thực hiện.
Thêm một nguyên nhân mà ông Phùng Văn Hùng cho rằng cũng khá quan trọng là các doanh nghiệp nắm vốn Nhà nước rất lớn, tham gia vào nhiều lĩnh vực, hoạt động cả một quá trình dài với nhiều mối quan hệ liên quan tới pháp lý, đất đai, nợ, quyết toán... sẽ làm cho quy trình cổ phần hóa bị ảnh hưởng. Do vậy, đây là những vấn đề cần phải mổ xẻ và tìm cách xử lý.
Những lùm xùm xung quanh việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam và Cảng Quy Nhơn mới đây là điển hình cho những “góc khuất” trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Những góc khuất đến từ những vấn đề trong quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị tài sản vô hình cho tới xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất trong cách định giá doanh nghiệp
Ông Đặng Quyết Tiến cũng nhấn mạnh, để cổ phần hóa đúng theo quy định đòi hỏi phải có sự chuẩn bị bài bản, lộ trình rõ ràng. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp không có ý thức chủ động, quyết liệt thì việc triển khai cổ phần hóa rất khó đáp ứng tiến độ.
"Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, qua làm việc với một số đơn vị có kế hoạch cổ phần hóa năm 2019 như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)…, chúng tôi thấy ngay từ đầu năm 2018 họ đã tiếp cận các văn bản pháp quy mới, chuẩn bị các phương án, sắp xếp đất đai", ông Tiến cho hay.
Theo ông Tiến: "Như vậy đến 31/12/2018 khi chốt được thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thì họ đã xong hết phương án. Nhưng ngược lại, đơn vị nào còn chần chừ, không chuẩn bị từ trước thì sẽ không thể kịp, nhất là những đơn vị có kế hoạch năm 2018. Đó là những lý do khiến chúng tôi đánh giá nguyên nhân chậm là do nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến tổ chức công việc” (Còn tiếp).
Thùy Dương