Cô đỡ La Thị Dân thường xuyên vận động phụ nữ địa phương thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản |
Năm 2011, chị Dân và 3 người trong xã được vận động tham gia đào tạo lớp học cô đỡ thôn, bản (theo Chương trình giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh do Hà Lan tài trợ) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong 6 tháng tham gia lớp học, chị được trang bị kỹ năng cơ bản về sản khoa cũng như cách xử lý ban đầu các tai biến sản khoa và sơ sinh. Đến lúc này, chị mới biết việc sinh con tại nhà gặp nhiều rủi ro. Vì vậy, chị quyết tâm phải giúp bà con quê mình thay đổi nhận thức về sinh đẻ an toàn.
Sau khi tốt nghiệp khoá học, chị trở về địa phương vận động sản phụ khám thai và sinh con tại trạm y tế xã, đồng thời tham gia đỡ đẻ sạch và tư vấn, khám thai cho nhiều phụ nữ trong xóm, xã, phát hiện thai phụ có nguy cơ cao để tư vấn chuyển tuyến kịp thời.
Gần 5 năm làm cô đỡ thôn bản, chị Dân không quản ngại mưa nắng băng núi vượt đèo đến tận những ngôi nhà trên núi cao thăm khám cho sản phụ; không ít lần giữa đêm khuya, cứ có người gọi đi đỡ đẻ là chị lại tất tả chuẩn bị túi đồ nghề lên đường. Chị thường xuyên có mặt tại các xóm, bản để tuyên truyền, vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) và sinh đẻ tại cơ sở y tế. Nhiều khi không thể vận động bà mẹ đến cơ sở y tế, chị Dân đỡ đẻ tại nhà; chăm sóc sau đẻ cho mẹ và con... Là người bản địa, chị sử dụng chính ngôn ngữ của dân tộc mình để truyền đạt cho người dân thôn bản những thông tin quan trọng về chăm sóc bà mẹ và trẻ em, cung cấp các dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh.
Kể về những ca đỡ đẻ của mình, chị Dân nhớ nhất ca đỡ một trẻ sơ sinh bị dị tật hở hàm ếch. Khi trẻ được sinh ra, người nhà thấy dị tật thì không ai dám bế ẵm và không muốn nuôi dưỡng bé. “Khi ấy tôi rất thương đứa bé, và rất buồn bởi nhận ra quan niệm của bà con mình vẫn còn lạc hậu quá!”, chị Dân tâm sự. Sau đó, chị cùng với chính quyền xã và trạm y tế xã nỗ lực giải thích, tuyên truyền, vận động người nhà sản phụ hiểu tình trạng bệnh của đứa trẻ để tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc bé như những đứa trẻ bình thường khác. Hiện nay, sức khoẻ của mẹ và bé đều ổn định.
Thay đổi được nhận thức của nhiều người dân, chị còn thay đổi nhận thức của chính người thân trong gia đình. Nếu như ban đầu, bố mẹ và chồng đều không ủng hộ chị đi học đào tạo cô đỡ, đến nay, mọi người đã hoàn toàn ủng hộ chị. Những khi phải đến các xóm xa, chồng chị đều tự nguyện chở chị bằng xe máy đi rồi đón về.
Anh Triệu Văn Tuyên, Trưởng Trạm Y tế xã Quang Trung cho biết: Dù cuộc sống gia đình chị Dân còn gặp nhiều khó khăn, song chị vẫn rất nhiệt tình trong công việc. Sự đóng góp của các cô đỡ thôn bản như chị Dân có tác động tích cực đến cộng đồng, làm cải thiện nhận thức của phụ nữ về CSSKSS; góp phần làm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, giảm suy dinh dưỡng trẻ em ở địa phương.
Giờ đây, điều mà chị Dân trăn trở nhất, đó là vẫn còn nhiều người dân chưa bỏ được những hủ tục lạc hậu, vẫn tin vào thầy bói, thầy tào, không tự nguyện xuống trạm y tế hoặc từ chối để cô đỡ đến thăm khám, đỡ đẻ, dẫn đến xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc. Bên cạnh đó, trang thiết bị, vật tư y tế dành cho cô đỡ thôn bản còn thiếu, tài liệu tuyên truyền sức khỏe sinh sản cho người dân chưa thực sự hiệu quả vì nhiều đồng bào không biết chữ hoặc không biết tiếng phổ thông.
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, cùng với mức hỗ trợ cho cô đỡ thôn bản chỉ 200.000 đồng/tháng, khi mà hai đồng nghiệp của chị ở xã đều bỏ nghề hoặc chuyển sang làm y tế thôn bản với mức trợ cấp cao hơn (575.000 đồng/tháng), chị Dân vẫn là người duy nhất quyết tâm tiếp tục gắn bó với công việc. Động lực của chị đến từ những điều rất giản đơn, như chị nói: “Càng làm tôi càng thấy yêu công việc. Mỗi lần đi khám cho sản phụ nghe thấy tiếng tim thai cũng thấy vui cả ngày; nhìn thấy sự khoẻ mạnh của người mẹ, lớn lên từng ngày của đứa trẻ mình đỡ đầu cũng đủ thấy hạnh phúc. Hơn nữa, nhiều chị em đã biết chủ động đến nhà tôi để được tư vấn về khám định kỳ, sinh đẻ an toàn. Được mọi người tin tưởng, tôi cảm thấy ấm lòng, bởi mình đã góp một phần nhỏ vào công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào mình".
TTXVN