Vừa qua, Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) họp lần thứ 9 đã bỏ phiếu bầu chọn Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689 - 1943) là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Cùng với Hoàng hoa sứ trình đồ và Mộc bản trường học Phúc Giang đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu ký ức thế giới trước đó, việc Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu được vinh danh một lần nữa khẳng định truyền thống văn hóa, khoa bảng ở miền quê Can Lộc, Hà Tĩnh.
Độc đáo hệ thống văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu
Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943) ở xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh do Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ chủ trì sưu tầm, thẩm định và cùng tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hồ sơ trình UNESCO. Đây là Bộ sưu tập viết bằng chữ Hán và chữ Nôm gồm 48 tư liệu của 3 dòng họ (Nguyễn Huy, Trần Văn và họ Hoàng) tại làng Trường Lưu.
Các văn bản này gồm 26 tư liệu là các sắc phong thời kỳ Nhà Lê và Nhà Nguyễn (1689-1943) có nội dung tôn vinh - ban thần, ban mỹ tự - trong ban tước, phong chức; 19 văn bản hành chính do chính quyền địa phương gửi cho người dân thuộc xã Trường Lưu dưới thời Nguyễn (1803-1943) và 3 bức trướng có kích thước 97x197cm, 121x177cm và 70x127cm tặng cho các cá nhân nhân dịp mừng thọ, đỗ đạt.
Phần lớn tài liệu được bảo quản cẩn thận, giữ nguyên bản, chữ và con dấu của nhà vua rõ ràng. Chất liệu của các văn bản rất đa dạng, gồm giấy dó, giấy dó đặc biệt và lụa. Chữ viết đẹp, rõ ràng.
Với giá trị nguyên gốc, độc bản, các văn bản có nguồn gốc rõ ràng và các sự kiện liên quan… đã từng làm nguồn tư liệu để biên soạn sách, vì vậy nhiều thông tin có thể kiểm chứng, đối chiếu qua các tài liệu chính sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký tục biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục; cũng như qua các sách khảo cứu như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch.
Bộ sưu tập là bằng chứng xác thực cho các nghiên cứu liên quan đến lịch sử, giáo dục, chính trị, văn hóa, danh nhân, bình đẳng giới và nhất là ca ngợi phụ nữ, truyền thống hiếu học, kính trọng người cao tuổi của một làng quê tiêu biểu Việt Nam, cụ thể là làng Trường Lưu. Trong bộ sưu tập có 6/48 tư liệu liên quan đến bình đẳng giới, trong đó có 5 sắc phong vinh danh phụ nữ như: “Thánh Mẫu”, “Thưa bà”, “Tấm gương trung thành hoàn hảo”, “Ví dụ về đức hạnh”.
Mỗi tài liệu được xem như một tác phẩm nghệ thuật nguyên bản. Đây là các tư liệu gốc giúp nghiên cứu quan hệ xã hội, lịch sử phát triển của làng thời xưa, đặc biệt trong giai đoạn từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX.
Theo ông Nguyễn Huy Mỹ, hiện nay tại các nhà thờ và các tư gia ở làng Trường Lưu còn lưu giữ nhiều sắc phong, văn bản hành chính (trát, sức, bẩm, trình…), trướng, bia đá, gia phả, văn cúng, sách cổ và hoành phi, bảng gỗ, câu đối. Những văn bản này cũng là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu những giá trị truyền thống chung có nguồn gốc sâu xa, nhấn mạnh việc tu dưỡng bản thân và giáo dục gia đình ở các nước châu Á; đồng thời giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về việc áp dụng và thực hành chế độ khoa cử Nho học nhằm tuyển dụng người tài phục vụ đất nước trong chế độ quân chủ Việt Nam và tác động của nó đối với giáo dục, phát triển văn hóa và đời sống của cơ sở.
Gìn giữ và phát huy giá trị di sản
Làng Trường Lưu là ngôi làng di sản nổi tiếng của xứ Nghệ, mảnh đất này đã sinh ra nhiều bậc danh nhân nổi tiếng như: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ…Ngôi làng là cái nôi và là nơi lưu giữ nhiều di sản vật thể, phi vật thể đặc sắc, phong phú và có giá trị. Nổi bật là hệ thống 37 nhà thờ các dòng họ và 10 ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm, nghệ thuật hát ví phường vải (một bộ phận của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại), các tác phẩm của dòng văn Trường Lưu và đặc biệt là 3 di sản tư liệu ký ức thế giới: Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, Văn bản Hán Nôm Trường Lưu.
Từ nửa cuối thế kỷ XV đến năm 1945, làng Trường Lưu thuộc xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch. Từ năm 1945 đến cuối năm 2019, làng Trường Lưu bao gồm 5 xóm: Đông Thạc, Phúc Trường, Phượng Sơn, Tân Tiến và xóm Trại của xóm Quỳnh Sơn thuộc xã Trường Lộc. Cuối năm 2019, đầu năm 2020, 3 xã Kim Lộc, Song Lộc, Trường Lộc nhập lại thành xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc.
Làng Trường Lưu có diện tích 362,4ha; 574 hộ với 1.644 nhân khẩu thuộc 23 chi họ Nguyễn Huy và 14 họ khác như Nguyễn Xuân, Trần Huy, Nguyễn Thanh, Trần Văn…
Giữa thế kỷ XVIII, làng Trường Lưu trở thành trung tâm văn hóa lớn ở Việt Nam với Trường học Phúc Giang có hàng nghìn người theo học, có “bát cảnh” và hát ví phường vải…, là nơi giao lưu văn hóa trong và ngoài nước. Đến giữa thế kỷ XX, họ Nguyễn Huy Trường Lưu đã hình thành 45 chi họ với 42 nhà thờ, trong đó ở làng Trường Lưu có 23 chi họ với 22 nhà thờ. Hệ thống nhà thờ ở làng Trường Lưu có 37 nhà thờ trước năm 1945, bao gồm 22 nhà thờ của các chi họ Nguyễn Huy Trường Lưu cùng 3 nhà thờ họ Nguyễn Xuân, 3 nhà thờ họ Trần Huy và 9 nhà thờ các họ: Trịnh, Lê, Đào, Nguyễn Văn, Trần Văn, Hoàng Văn, Nguyễn Thanh…
Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Huy là người đã có công lớn trong việc đưa các di sản của dòng họ như Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và nay là Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu trở thành di sản thế giới. Ông Nguyễn Huy Mỹ chia sẻ, là con cháu của dòng họ Nguyễn Huy và vùng đất giàu di sản Trường Lưu, ông luôn đau đáu với tâm nguyện sưu tầm, gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa của dòng họ và quê hương. Vì vậy, từ năm 1984 ông bắt đầu hành trình tìm kiếm, lưu giữ và phát huy giá trị các di sản của quê hương, dòng họ.
Dù sinh sống và làm việc ở Hà Nội nhưng tại quê nhà, nơi căn nhà nhỏ của gia đình mình, ông Nguyễn Huy Mỹ đã dành phần lớn diện tích để xây dựng nơi lưu giữ các di sản. Bởi theo ông Mỹ, phần lớn các di sản đều làm bằng các chất liệu như giấy dó, lụa hoặc gỗ thị…nên nếu bảo quản không tốt hoặc không được sao chép cẩn thận sẽ có nguy cơ bị thất truyền.
Những tâm huyết của ông Mỹ cũng chính là tâm huyết của người làng Trường Lưu và con cháu dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu. Tại các nhà thờ, đình làng, nhà cổ ở làng Trường Lưu, các di sản của cha ông đều được con cháu giữ gìn cẩn thận như báu vật. Bởi đó là cách họ tự hào về truyền thống hiếu học, quá khứ vàng son của dòng tộc, quê hương.
Anh Nguyễn Huy Thắng, hậu duệ đời thứ 18 của dòng họ Nguyễn Huy khẳng định, thế hệ con cháu chúng tôi luôn gìn giữ và bảo tồn các di sản mà cha ông để lại, để sau này con cháu được biết đến và tự hào với truyền thống của dòng họ, quê hương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Tiến Dũng cho biết, để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở làng Trường Lưu, UBND tỉnh đã đồng ý cho UBND huyện Can Lộc phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan tiến hành khảo sát, lập quy hoạch phân khu xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu tại xã Kim Song Trường, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn liền với phát triển du lịch của địa phương. Năm 2020, huyện Can Lộc đã ra mắt Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Làng Trường Lưu ở xã Kim Song Trường và xúc tiến hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch tổng thể Làng văn hóa Trường Lưu.
Trong Nghị quyết về phát triển du lịch của huyện Can Lộc, địa phương cũng xác định làng văn hóa Trường Lưu là điểm nhấn. Đồng thời đưa địa điểm này vào các tour, tuyến du lịch của huyện Can Lộc nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Tuy nhiên, việc gìn giữ và bảo tồn các di sản còn tồn tại nhiều khó khăn cần kinh phí lớn. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã trình và đề nghị thông qua Đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản ở làng Trường Lưu cấp tỉnh để có kinh phí thực hiện.
Hoàng Ngà