Nhóm chuyên gia cho rằng, 2 quy hoạch về chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm quy hoạch 1547 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập, quy hoạch 752 do JICA - Nhật Bản lập, đang tồn tại nhiều điểm yếu. Cụ thể, quy hoạch 752 (lập năm 2002) chưa đề cập đến biến đổi khí hậu, dự báo dân số thấp hơn thực tế còn quy hoạch 1547 (lập năm 2008) yếu trong công tác dự báo nên chưa lường hết mực nước thực tế (cao hơn mực nước thiết kế). Từ đó, nhóm chuyên gia khuyến nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần có các giải pháp tăng lưu lượng thoát nước thông qua tăng tiết diện của hệ thống thoát nước, tính toán lại mực nước thiết kế; mở rộng, nâng cấp hệ thống thoát nước bẩn trong toàn thành phố; quy hoạch các khu vực thoát nước, lưu trữ nước bằng hồ, hầm, ống tiêu, trữ tạm thời. Ngoài ra cũng cần tính các công trình lâu dài với tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa- TTXVN |
Theo chuyên gia đến từ Đức, với quan điểm sống chung với nước nên nước Đức nói riêng và nhiều nước trong khu vực Châu Âu nói chung đã đầu tư hơn 5 tỷ USD để xây dựng không gian cho nước, để nguồn nước trở về với tự nhiên. Cùng với đó, người dân được trang bị hệ thống thông tin để sống cơ động khi nước lên và chủ động trở lại cuộc sống bình thường khi nước xuống. Mặt khác, tại thành phố cảng, quy hoạch đường dành cho người đi bộ, đường cho xe đạp phải cao hơn mặt nước biển từ 4 - 5,5m, còn các công trình kiến trúc và đường phố cao hơn từ 7,5 - 8m.
Trong khi đó, chuyên gia Nhật Bản lại tập trung vào giải pháp trữ nước đô thị, chia cống rãnh, bể điều tiết, cống ngầm trong thành phố (đường kính 12,5m, dài 4,5km). Tương tự, Malaysia cũng có xây đường hầm thoát nước mưa gồm 3 phần, trong đó 2 phần trên là đường, phần ở dưới là đường hầm thoát nước mưa. Khi lũ sắp đến, 2 tuyến trên sẽ được đóng lại để sơ tán giao thông, sau đó toàn bộ 3 phần sẽ được mở để sẵn sàng chứa nước lũ./.