Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh, đến nay, toàn tỉnh đã kiện toàn được 631 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 94 xã phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố, với 4.401 thành viên. Các Tổ công nghệ số cộng đồng này đang từng ngày tạo thuận lợi để người dân giải quyết thủ tục hành chính thông qua nền tảng ứng dụng trên điện thoại thông minh. Từ đó, quy trình xử lý các thủ tục hành chính của người dân được thuận lợi hơn, nhanh hơn và đảm bảo công khai, minh bạch. Đây được xem là một trong những kết quả đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi số xuất phát từ lợi ích của người dân.
Tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân
Hoàn tất thủ tục nộp hồ sơ trực tuyến chưa đầy 30 phút ở UBND phường 1, thành phố Tây Ninh, anh Chu Thiên Vũ, ngụ phường 1 cho biết, trước đây thời gian nộp hồ sơ để làm thủ tục hành chính phải chờ đợi kéo dài từ 1 giờ trở lên. Thậm chí khi đến lượt nộp thì mới biết thiếu giấy tờ cần phải bổ sung. Rồi người dân phải chạy sang cơ quan khác hoàn tất các giấy tờ bổ sung, rồi chờ đợi tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, việc điện thoại thông minh kết nối mạng đã hỗ trợ nhanh chóng hơn, thậm chí, có thể kết nối được với Zalo của UBND phường để biết thông tin, tra cứu được thời gian xử lý hồ sơ của mình và thậm chí phản ánh những bất cập của người dân một cách dễ dàng, do vậy người dân cũng cảm thấy có sự minh bạch hơn.
Trong số các địa phương của tỉnh, UBND Phường 1 là một trong những nơi đang tăng cường ứng dụng chuyển đổi số thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, UBND phường 1 đã cấp trên 1.000 tài khoản dịch vụ công cho người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính, từ đó giúp người dân tiết kiệm chi phí, thời gian, không phải đi lại nhiều lần, liên hệ nhiều cơ quan để được cấp giấy tờ.
Anh Lê Cộng Tuyến, thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng UBND phường 1 là một trong số những cán bộ công chức trực tiếp, năng nổ với công tác hướng dẫn người dân tạo tài khoản trực tuyến, quét mã QR trên Zalo trong giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương. Anh Tuyến cho biết, để người dân không phải quên, trên hệ thống thông tin Zalo của UBND phường 1, mỗi cán bộ phụ trách mảng sẽ viết bài hướng dẫn sao cho chi tiết, dễ hiểu nhất để người dân nào cũng có thể làm được. Đặc biệt, với từng thủ tục hành chính sẽ kèm theo các danh mục hồ sơ giấy tờ cần có để người dân chuẩn bị trước, do đó, không còn tình trạng người dân bị hẹn để nộp bổ sung lại hồ sơ chỉ vì thiếu giấy tờ.
"Để đạt hiệu quả cao trong việc chuyển đổi số ở địa phương, các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tập trung hướng dẫn cho người dân đến làm thủ tục hành chính, nhất là các bạn trẻ. Bởi, các bạn là người trực tiếp hướng dẫn lại với thành viên gia đình mình. Ngoài ra, với những người lớn tuổi, ban đầu việc tiếp cận công nghệ đã vốn rất khó khăn nhưng đến khi họ hiểu, tự nộp được hồ sơ trực tuyến thì cảm thấy được sự nhanh chóng, tiện lợi, giúp họ có cái nhìn tích cực với ứng dụng công nghệ", anh Tuyến nhấn mạnh.
Giúp người dân và chính quyền gần nhau hơn
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh cho biết, với 631 Tổ công nghệ số cộng đồng tại 94 xã phường, thị trấn đã, đang tạo nhiều điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, giải quyết thủ tục nhanh chóng, minh bạch nhất. Đồng thời, tăng sự tương tác, giúp người dân, chính quyền gần nhau hơn từ các thủ tục hành chính đến phản ánh của người dân hay thông tin tuyên truyền về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến từng người dân được dễ dàng hơn.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, các Tổ công nghệ số cộng đồng bước đầu cho thấy hiệu quả cao, tạo sự ủng hộ lớn từ người dân, doanh nghiệp. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn để các thành viên của Tổ, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng biên giới có thể thành thạo các thao tác sử dụng các nền tảng số để triển khai hướng dẫn lại cho người dân địa phương.
Ông Nguyễn Trung Hiếu nhấn mạnh, một trong những lĩnh vực tỉnh xác định ưu tiên thực hiện công tác chuyển đổi số năm 2023 là Chính quyền số, thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; qua đó, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt, giúp cơ quan Nhà nước rà soát lại các thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện toàn trình; đơn giản hóa thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến và phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình một cách thực chất ở mức cao nhất có thể.
Trung tâm giám sát điều hành kinh tế, xã hội tập trung tỉnh Tây Ninh (còn gọi là Trung tâm IOC) đang được tỉnh đánh giá hoạt động tốt nhất là về khả năng giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và khả năng phân tích dữ liệu lớn; hỗ trợ lãnh đạo tỉnh ra quyết định, mang đến hiệu quả, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, Tây Ninh đã có 18/20 sở, ban, ngành đã tích hợp số liệu lên IOC phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cơ bản đã đáp ứng được chức năng tích hợp dữ liệu.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tây Ninh nêu rõ: Tây Ninh sẽ tập trung xây dựng hạ tầng dữ liệu, chiến lược dữ liệu; bổ sung hệ thống phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ ra quyết định lên IOC của tỉnh; sớm xây dựng kho dữ liệu dùng chung và nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh phục vụ cho cả chuyển đổi số và phát triển điện tử thương mại; thành lập tổ liên ngành phân tích dữ liệu phục vụ lãnh đạo chính quyền trong chỉ đạo, điều hành.
Giang Phương