Chuyển đổi phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết ở xã Đa Kia

Chuyển đổi phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo chuỗi liên kết ở xã Đa Kia
Dê nuôi chăn thả tự do, ăn cây lá tự nhiên nên chất lượng thịt chắc, thơm ngon. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
 Dê nuôi chăn thả tự do, ăn cây lá tự nhiên nên chất lượng thịt chắc, thơm ngon. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Cách đây hơn hai năm, gia đình bà Vũ Thị Vân, thôn 3, xã Đa Kia, nuôi 3 con dê cái. Để mở rộng đàn dê, bà phải đi mượn dê đực về phối giống nên vừa mất công lại tốn chi phí, giống không đạt chất lượng. Từng là cán bộ làm công tác giảm nghèo của xã, nhận thấy những hạn chế của bản thân cũng như nhiều nông dân ở địa phương trong hoạt động chăn nuôi, năm 2018 bà đã vận động một số hội viên nông dân, phụ nữ và thanh niên địa phương thành lập Tổ liên kết hợp tác kinh doanh trong chăn nuôi dê, bò để hỗ trợ giống, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong chăn nuôi, trồng trọt. Sau đó, bà Vân cũng được các thành viên bầu là tổ trưởng tổ liên kết. Vì thế, từ năm 2018 đến nay, khi tổ liên kết đi vào hoạt động, từ 3 con dê giống, gia đình bà Vân đã phát triển và duy trì ổn định đàn dê từ 13 đến 15 con, từ đầu năm đến nay đã đem lại thu nhập hơn 40 triệu đồng. Bà Vũ Thị Vân, Tổ trưởng Tổ liên kết chia sẻ: “Khi tham gia vào Tổ liên kết, mình học hỏi được kinh nghiệm, chia sẻ những nơi mua con giống với giá tốt.” Gia đình ông Mai Văn Tĩnh, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, chỉ có 1,5 ha đất trồng tiêu, điều, cà phê, kết hợp đàn dê 17 con dê giống. Mỗi năm, ông đã xuất bán được 23 con dê thịt, thu lợi từ chăn nuôi, trồng trọt hơn 230 triệu đồng. Đây là con số mơ ước của biết bao người nông dân chỉ sản xuất trên một diện tích nhỏ. Từ những kinh nghiệm quý báu của mình, với vai trò là thành viên Tổ liên kết Đoàn Thanh niên - Phụ nữ - Nông dân hợp tác kinh doanh chăn nuôi dê, bò xã Đa Kia, thời gian qua ông Tĩnh đã tích cực chia sẻ những kinh nghiệm mình có được cho các thành viên trong tổ. Ông Tĩnh cho biết: “Sau khi có tổ hợp tác liên kết, anh em đã đến học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, mang lại hiệu quả tích cực. Tết năm nay bà con ở đây có thêm thu nhập để chi tiêu”. Là thanh niên năng nổ, nhiệt huyết, anh Nguyễn Quang Tú, cùng ở thôn Bình Thủy, xã Đa Kia, lại thiếu kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, nhất là kinh nghiệm chăm sóc, chọn giống… Theo anh Tú: Vì chưa có kinh nghiệm, ban đầu anh chỉ nuôi 3 con dê cái. Để phát triển đàn anh phải đi mượn dê đực của hàng xóm về phối giống. Nhờ tham gia Tổ liên kết chăn nuôi, được sự tư vấn, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm từ các thành viên trong Tổ, anh có thêm kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư phát triển, mở rộng,  duy trì đàn ổn định từ 20 đến 25 con. Từ đầu năm đến nay, gia đình anh đã xuất bán được 12 con dê, đem lại thu nhập gần 40 triệu đồng. Việc tham gia Tổ hợp tác liên kết đã đem lại nhiều kinh nghiệm, lợi ích trong chăn nuôi dê. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đa Kia Trần Thị Hương cho biết: “Mô hình Tổ liên kết Đoàn Thanh niên - Phụ nữ - Nông dân hợp tác kinh doanh chăn nuôi dê, bò ở xã đã có 11 thành viên tham gia rất tích cực và sôi nổi. Một số hộ có chiều hướng mở rộng mô hình này, từ đó tìm nhiều nguồn lực và xây dựng thương hiệu ở Đa Kia sẽ tốt hơn”. Dù mới đi vào hoạt động được hơn một năm nay, nhưng Tổ liên kết đã đem lại nhiều lợi ích cho hội viên. Đây được xem là một mô hình hay và khá mới mẻ trong chăn nuôi, trồng trọt. Sự năng nổ, nhiệt huyết của thanh niên, sự siêng năng cần mẫn của phụ nữ đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Dù cao su, hạt tiêu mất mùa, nhưng người dân ở huyện vùng biên này, nhờ mô hình Tổ liên kết Đoàn Thanh niên - Phụ nữ - Nông dân, đã hợp tác chăn nuôi dê, bò để có thêm thu nhập, Tết năm nay sẽ đầy đủ và sung túc hơn năm trước.
K GỬIH

Có thể bạn quan tâm