Chùa Hoằng Phúc - Đệ nhất cổ tự tại miền Trung

Trải qua hơn 715 năm tồn tại, chùa Hoằng Phúc đã gắn liền với đời sống tâm linh của nhân dân huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Ngày nay, chùa Hoằng Phúc là điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

vna_potal_khai_hoi_di_tich_lich_su_quoc_gia_chua_hoang_phuc__7238417.jpg
Chùa Hoằng Phúc được coi là ngôi chùa cổ bậc nhất miền Trung. Ảnh: Tá Chuyên - TTXVN

Ngôi chùa cổ lâu đời nhất ở miền Trung

Chùa Hoằng Phúc hay còn được biết đến với tên gọi là chùa Kính Thiên hoặc chùa Quan, địa chỉ tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Theo nhiều nhà sử học, chùa Hoằng Phúc có xuất phát từ am thờ Phật ở thôn Tri Kiến, huyện Tri Kiến gọi là am Tri Kiến. Vào năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến am Tri Kiến ở và thuyết pháp truyền giảng giáo lý Phật giáo. Điều này có nghĩa là am Tri Kiến được xây dựng trước thời điểm năm 1301. Như vậy, tính tới thời điểm này, Chùa Hoằng Phúc đã có chiều dài lịch sử trên 715 năm.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà sử học cũng khẳng định, vùng đất Quảng Bình đã được sáp nhập vào quốc gia Đại Việt sớm hơn 237 năm so với vùng Thuận Quảng, theo đó các ngôi cổ tự của người Việt ở vùng đất Quảng Bình dĩ nhiên cũng có trước. Chính vì vậy, có thể nói chùa Hoằng Phúc là ngôi chùa cổ lâu đời nhất tại miền Trung.

Chùa Hoằng Phúc là di sản của một trung tâm văn hóa tâm linh Phật giáo của Đại Việt được cộng đồng dân cư mang theo trong quá trình Nam tiến thời Lý - Trần, góp phần giữ gìn bản sắc Đại Việt khi đến vùng đất mới để an cư, lạc nghiệp. Đây là di tích được các nhân vật lịch sử của quốc gia phong kiến (Phật hoàng Trần Nhân Tông, chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị,...) đã đến, quan tâm trùng tu phục dựng và chấn hưng vì mục đích phục vụ cho sự hòa đồng dân tộc trong quá trình mở cõi, cố kết cộng đồng trong sinh hoạt văn hóa tâm linh để tạo sức mạnh từ cố kết lòng dân thông qua đức tin đầy lòng vị tha của đạo Phật. Chùa là di tích vào loại cổ xưa nhất chứa đựng nhiều thông điệp về lịch sử Phật giáo Đại Việt thâm nhập vào xứ Đằng Trong theo cộng đồng dân cư, theo các nhà tu hành, theo dấu chân kinh lý trên đường thiên lý của các bậc vua chúa, quan lại mộ đạo Phật. Vì thế nơi đây có sức hút của hội nhập lại có sức lan tỏa của một trung tâm Phật giáo Đại Việt xứ Đàng Trong.

Trải qua hơn 715 năm tồn tại, chùa Hoằng Phúc mang nhiều dấu ấn gắn liền với những biến cố thăng trầm trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong đó, chùa đã trải qua 6 triều đại phong kiến, gồm: Triều đại nhà Trần, nhà Hồ, Hậu Lê, nhà Mạc, Tây Sơn và triều đại nhà Nguyễn; đồng thời Hoằng Phúc cổ tự cũng trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Điều này lý giải được lí do vì sao nơi đây có sự hiện diện của các hệ tượng, pháp khí Phật giáo đa nguồn gốc, đa phong cách, đa chất liệu. Trong dòng chảy lịch sử của mình, chùa Hoằng Phúc đã khẳng định vị trí trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Quảng Bình nói chung và người dân Lệ Thủy nói riêng.

Với hơn 715 năm tồn tại, trải qua 6 triều đại phong kiến, 2 cuộc chiến tranh với nhiều lần trùng tu, phục dựng, năm 2015, chùa Hoằng Phúc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Phát huy giá trị di tích

Trong chiều dài lịch sử, chùa Hoằng Phúc luôn gắn liền với đời sống tâm linh của người dân huyện Lệ Thủy.

Cũng như nhiều người dân ở đây, bạn Đỗ Thị Khánh Linh ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết, thường hay đi vãn chùa Hoằng Phúc không chỉ vì cảnh đẹp, sự tĩnh lặng của không gian nơi đây mà còn để giúp bản thân an lạc hơn khi nhất tâm cầu nguyện đất nước bình yên, gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Trong nhiều năm gần đây, vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, hàng ngàn người trong và ngoài tỉnh đã đến chùa Hoằng Phúc để du Xuân, dâng hương, cầu may cho năm mới.

Ông Dương Văn Bình, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết, trong dịp đầu năm mới 2024 (từ 23 tháng Chạp đến Rằm tháng Giêng), chùa Hoằng Phúc đã đón hơn 35 ngàn lượt người. Dịp đầu năm mới là dịp chùa Hoằng Phúc có rất nhiều hoạt động như: lễ Phật, chúc Tết, phát lộc đầu năm, múa lân vui Xuân và nhiều lễ hội đặc sắc khác.

Đặc biệt, vào tháng Giêng hằng năm, chùa Hoằng Phúc tổ chức lễ hội Di tích lịch sử Quốc gia chùa Hoằng Phúc với nhiều hoạt động văn hóa, tâm linh theo nghi thức Phật giáo như: Lễ rước nước từ vực An Sinh về chùa, lễ khai ấn, lễ phóng sinh, thuyết pháp và lễ quy y Tam Bảo, lễ cúng Phật cầu Quốc thái dân an, lễ phát lộc, thả hoa đăng. Song song với các nghi thức lễ Phật là nhiều hoạt động văn hóa – thể thao độc đáo như: Hò khoan Lệ Thủy; múa vương, tướng, long, hổ; kéo co,... Lễ hội không chỉ bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa dân tộc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát huy tiềm năng du lịch tại địa phương đồng thời giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp độc đáo của du lịch tâm linh tại vùng sông nước Lệ Thủy.

Chia sẻ về những chủ trương nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử của chùa Hoằng Phúc, ông Dương Văn Bình cho biết: “Phòng Văn hóa - Thông tin nói riêng và huyện Lệ Thủy nói chung rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc. Qua mỗi năm, khi tổ chức lễ hội tại chùa, huyện luôn chú trọng thay đổi để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân và khách du lịch. Tuy nhiên, việc thay đổi phải dựa trên cơ sở gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội.”

Với chiều dài lịch sử trên 715 năm, chùa Hoằng Phúc xứng đáng là chùa cổ danh tiếng của tỉnh Quảng Bình và cả Việt Nam. Đồng thời, nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành một trong những địa điểm du lịch tâm linh thu hút du khách hàng đầu của miền Trung.

Hi Trang - Lệ Hằng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm