Chú trọng phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở vùng cao Lai Châu

Cán bộ xã Nùng Nàng thăm mô hình trồng dâu tây của đảng viên người Mông Sùng A Chớ, thuộc chi bộ bản Sáy San 1, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN
Cán bộ xã Nùng Nàng thăm mô hình trồng dâu tây của đảng viên người Mông Sùng A Chớ, thuộc chi bộ bản Sáy San 1, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tam Đường (Lai Châu) luôn quan tâm, chú trọng công tác phát triển đảng viên, đặc biệt là đảng viên người dân tộc thiểu số, qua đó góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và giảm nghèo nhanh, bền vững.

Chú trọng phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở vùng cao Lai Châu ảnh 1 Cán bộ xã Nùng Nàng thăm mô hình trồng dâu tây của đảng viên người Mông Sùng A Chớ, thuộc chi bộ bản Sáy San 1, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

"Điểm sáng" cần nhân rộng

Tam Đường là huyện miền núi của tỉnh biên giới Lai Châu, với 12 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 85% gồm các dân tộc Mông, Thái, Dao, Giáy, Lào, Lự, Hoa...

Lãnh đạo Huyện ủy Tam Đường cho biết, toàn huyện có trên 2.600 đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 52%. Từ năm 2015 đến nay, Đảng bộ huyện Tam Đường kết nạp được 715 đảng viên (vượt 29% so với chỉ tiêu), trong đó có 331 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 46%.

Huyện Tam Đường có 12 xã và một thị trấn với 126 chi bộ thôn bản, có 65 trưởng bản là đảng viên, chiếm gần 52%. Nhờ làm tốt công tác phát triển Đảng, nhiều năm qua, huyện Tam Đường không còn thôn, bản trắng đảng viên. 100% thôn, bản, trường học, trạm y tế trên địa bàn huyện có chi bộ hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chú trọng phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở vùng cao Lai Châu ảnh 2 Mô hình nuôi chim bồ câu của đảng viên người Mông Sùng A Chớ, thuộc chi bộ bản Sáy San 1, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Là một trong những xã điển hình của huyện Tam Đường về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, xã Nùng Nàng có nhiều giải pháp nhằm thu hút đồng bào dân tộc thiểu số ưu tú tham gia tổ chức cơ sở Đảng tại các chi bộ bản.

Đảng bộ xã Nùng Nàng hiện có 12 chi bộ trực thuộc, với 156 đảng viên, trong đó, 99 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 63%. Từ năm 2015 đến nay, xã đã kết nạp được 42 đảng viên, trong đó 30 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 71%. Đây là sự nỗ lực lớn trong công tác phát triển Đảng của một xã vùng cao khó khăn như Nùng Nàng.

Ông Mạch Thọ Quyết, Bí Thư Đảng ủy xã Nùng Nàng phấn khởi chia sẻ: Công tác xây dựng Đảng luôn được xã chú trọng và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng ủy. Để nâng cao chất lượng và số lượng đảng viên, hàng năm, Đảng ủy xã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển đảng viên, đẩy mạnh nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X.

Chú trọng phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở vùng cao Lai Châu ảnh 3 Mô hình nuôi giun đất của đảng viên người Mông Sùng A Chớ, thuộc chi bộ bản Sáy San 1, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Đảng ủy xã luôn quan tâm đến việc tạo nguồn, phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số; chú trọng phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng, kết nạp những quần chúng ưu tú, gương mẫu trong lao động, sản xuất. Nhờ vậy, số lượng đảng viên kết nạp hàng năm của xã đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu huyện giao.

Xã Nùng Nàng có trên 99% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhận thức của người dân còn hạn chế, đời sống gặp nhiều khó khăn. Muốn tuyên truyền để người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, cần phát huy vai trò của những người đảng viên, đặc biệt là đảng viên dân tộc thiểu số - cầu nối tuyên truyền trực tiếp giữa chính quyền với người dân. Họ là đội ngũ luôn đi đầu, gương mẫu trong phát triển các mô hình kinh tế và kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Do họ hiểu tiếng nói, phong tục tập quán của đồng bào mình nên khi vận động nhân dân xóa bỏ thủ tục lạc hậu, phát triển kinh tế sẽ rất thuận lợi.

Chú trọng phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở vùng cao Lai Châu ảnh 4 Đảng viên người Mông Sùng A Chớ, thuộc chi bộ bản Sáy San 1, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường (Lai Châu), chăm sóc cây lê. Ảnh: Việt Hoàng-TTXVN

Anh Sùng A Chớ (dân tộc Mông), Chi bộ bản Sáy San 1, xã Nùng Nàng là một trong những đảng viên trẻ tiêu biểu. Sau khi kết nạp Đảng năm 2016, anh Chớ thường xuyên cùng các thành viên trong Chi bộ đi tuyên truyền người dân phát triển các mô hình kinh tế, thay đổi tập quán sản xuất cũ sang phương thức sản xuất quy mô và hàng hóa. Theo anh Chớ, để người dân làm theo, trước hết người đảng viên phải đi đầu.

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, anh Chớ sử dụng số tiền tích cóp của hai vợ chồng để đầu tư vào các mô hình thử nghiệm: Nuôi chim bồ câu, giun đất, trồng lê và dâu tây. Anh trồng và nuôi nhiều loại nhằm tránh rủi ro, mô hình nào mang lại hiệu quả sẽ tập trung đầu tư và giới thiệu cho bà con trong bản. Nhờ đó, thu nhập của đồng bào tăng dần qua các năm, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Đảng viên Thào Thị Hoa (dân tộc Mông), Chi bộ bản Phan Chu Hoa, xã Nùng Nàng là người luôn đi đầu trong việc tuyên truyền để người dân xây dựng nếp sống văn minh. Bà Hoa thường xuyên vận động phụ nữ trong bản dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, nuôi nhốt gia súc, tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa ven đường. Bà còn vận động chị em tham gia biểu diễn văn nghệ nhằm giữ gìn nét văn hóa độc đáo của đồng bào Mông, qua đó bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Khó khăn trong tạo nguồn


Đảng bộ xã Nùng Nàng là Đảng bộ được Huyện ủy Tam Đường đánh giá cao trong công tác phát triển đảng viên mới, nhất là đảng viên người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, hiện nay, việc tạo nguồn đảng viên của xã đang gặp không ít khó khăn.

Bí thư Đảng ủy xã Nùng Nàng Mạch Thọ Quyết chia sẻ: Việc khó tạo nguồn đảng viên người dân tộc thiểu số là thực trạng chung tại các xã ở khu vực miền núi bởi trình độ dân trí khu vực này không đều, điều kiện kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao…

Không chỉ ở riêng xã Nùng Nàng, công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Tam Đường cũng còn nhiều khó khăn.

Ông Cao Trang Trọng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tam Đường cho biết: Khó khăn lớn nhất trong công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở huyện Tam Đường là việc tạo nguồn. Nguyên nhân do phần lớn thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp, chưa tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn huyện còn cao. Những thanh niên được học tập một cách cơ bản, có chí hướng phấn đấu, sau khi học phổ thông xong lại đi làm ăn xa, hoặc lập nghiệp ở nơi khác… Bên cạnh đó, một số thanh niên dân tộc thiểu số còn ngại phấn đấu, chưa tích cực tham gia các phong trào tại địa phương; dẫn tới tình trạng thiếu nguồn đoàn viên ưu tú, khó khăn trong việc giáo dục bồi dưỡng kết nạp Đảng.

Nhiều giải pháp đồng bộ


Nhằm giải quyết bài toán khó trong tạo nguồn kết nạp đảng, Đảng bộ xã Nùng Nàng đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể giao chỉ tiêu đến các chi bộ; yêu cầu các chi bộ thường xuyên rà soát đối tượng để giáo dục chính trị tư tưởng, lý tưởng cách mạng cho quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đảng bộ xã cũng yêu cầu các chi bộ phân công đảng viên, ủy viên phụ trách quần chúng, lấy việc kết nạp đảng viên làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức Đảng.

Để thu hút thanh niên ở lại địa phương lập nghiệp, xã đề ra hai Nghị quyết phát triển kinh tế, tập trung chăm sóc cây ăn quả ôn đới với hơn 50ha và cho thanh niên đi học nghề nấu ăn, du lịch, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng gắn với khu du lịch tâm linh chùa Linh ứng.

Ông Cao Trang Trọng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tam Đường cho hay, trước khó khăn về tạo nguồn, Huyện ủy Tam Đường đã triển khai đồng bộ các giải pháp: Thường xuyên chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo vận động học sinh đồng bào dân tộc thiểu số theo học hết bậc Trung học Phổ thông nhằm nâng cao trình độ học vấn, nhận thức của thế hệ trẻ, từ đó giáo dục chính trị tư tưởng cho thế hệ thanh thiếu niên về tầm quan trọng của Đảng.

Huyện ủy giao Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh các hoạt động, phong trào thi đua trong đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân; thông qua hoạt động trải nghiệm, nhằm phát hiện, lựa chọn những đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phát triển các đề án cây chè, mắc ca, lúa chất lượng cao, chăn nuôi gia súc, để thu hút thanh niên khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Song song với việc tạo nguồn, Huyện ủy Tam Đường quan tâm đến chất lượng sinh hoạt của các tổ chức cơ sở Đảng, thường xuyên tổ chức sinh hoạt giao ban cấp huyện, xã hai tháng một lần để nắm bắt khó khăn, vướng mắc và kịp thời tháo gỡ; phân công các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phụ trách các xã, thị trấn; cuối năm đánh giá chỉ tiêu gắn trách nhiệm cá nhân với việc hoàn thành chỉ tiêu của xã.

Huyện Tam Đường thành lập 12 tổ đến dự, theo dõi, hướng dẫn sinh hoạt chi bộ tại các địa phương; đây là những hạt nhân, là sợi dây kết nối đảm bảo thông tin hai chiều kịp thời từ huyện tới thôn và từ thôn lên huyện, góp phần xây dựng, phát triển Đảng bộ huyện Tam Đường ngày càng vững mạnh cả về số lượng và chất lượng.


Đinh Thùy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm