Tỉnh Lâm Đồng là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác phát triển đảng viên rất được chú trọng, nhất là phát triển đảng viên khu vực vùng sâu, vùng xa. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được thực hiện có hiệu quả, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được khẳng định trên các lĩnh vực nhất là phát triển kinh tế.
Lâm Đồng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: Đặng Anh Tuấn - TTXVN |
Tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam mới diễn ra, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng nhấn mạnh: Từ tỉnh nghèo, chậm phát triển với tỷ lệ hộ nghèo cao và thu nhập bình quân thấp hơn cả nước nhưng từ năm 2010 Lâm Đồng đã bước sang giai đoạn phát triển nhanh và bền vững. Đến nay, quy mô kinh tế GRDP chiếm 1,39% cả nước và 30% khu vực Tây Nguyên - Mức tiệm cận với mặt bằng phát triển chung khu vực Đông Nam Bộ. Tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, hiện chỉ còn 1,35%. Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng luôn chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo; công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng được chú trọng; quốc phòng - an ninh được giữ vững; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện nghiêm túc, bài bản; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được nâng lên. Điển hình tại huyện Lạc Dương - địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số rất chú trọng công tác phát triển đảng viên, nhất là công tác xây dựng hệ thống chính trị từ huyện tới thôn xóm, khu phố, trong đó chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Theo ông Ya Ti Ong, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Lạc Dương, công tác xây dựng Đảng đi vào nền nếp đóng vai trò quyết định cho việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội. Để làm được điều này, huyện ủy Lạc Dương chú trọng thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng. Đây là cơ sở, tiền đề để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấ̀u của các tổ chức cơ sở Đảng. Năm 2019, Lạc Dương đã kết nạp 46 đảng viên mới, trong đó 24 đảng viên người dân tộc thiểu số, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện lên gần 1.400 đồng chí. Đội ngũ đảng viên sẽ là cầu nối vững chắc để những chủ trương, chính sách đến gần hơn với người dân, tạo động lực phát triển trong toàn vùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ya Ti Ong khẳng định. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Dương tiến hành kiểm tra đối với 30 lượt tổ chức đảng và 11 đảng viên; giám sát chuyên đề đối với 4 tổ chức đảng và 4 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát đã thi hành kỷ luật 6 đảng viên. Đồng thời, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, xử lý nghiêm theo quy định đối với những sai phạm, khuyết điểm của các đảng viên, nhằm giáo dục, răn đe trong toàn Đảng bộ. Ngoài chấn chỉnh con người, cải cách hành chính được chú trọng, triển khai nhằm điều hành, quản lý và giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch, đúng quy trình, thời hạn theo quy định. Từ đó, củng cố vững chắc hơn sự tin tưởng, hài lòng của người dân đối với hoạt động của các cơ quan công quyền. Khi công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng thực hiện có hiệu quả, vai trò lãnh đạo của Đảng càng được khẳng định trên tất cả các lĩnh vực nhất là phát triển kinh tế. Điều này được chứng minh khi kinh tế của huyện Lạc Dương phát triển khá toàn diện. Năm 2019, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế huyện Lạc Dương đều đạt và vượt kế hoạch. Đơn cử như tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GO) một số ngành tăng cao, trong đó nông nghiệp tăng 14% và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được đẩy mạnh; cơ cấu cây trồng chuyển dịch đúng hướng, các hình thức liên kết sản xuất được mở rộng và bước đầu đã phát huy hiệu quả. Thương mại, dịch vụ có sự phát triển mạnh mẽ, kể cả tại các xã khó khăn. Huyện Lạc Dương cũng triển khai nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh, đưa vào khai thác một số điểm du lịch mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn. Năm 2019, lượng khách du lịch đến Lạc Dương đạt 1,7 triệu lượt, tăng 8% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước 118 tỷ đồng, đạt 113% dự toán. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đạt được nhiều dấu ấn, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,3%, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 4,7%; có 4/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 80%... Tại huyện Đam Rông, từ huyện nghèo nhất nước sau 15 năm thành lập đến nay đã dần "khởi sắc". Công tác xây dựng đảng có nhiều chuyển biến rõ rệt. Khi mới thành lập, Đảng bộ huyện Đam Rông chỉ có 26 tổ chức cơ sở đảng với 445 đảng viên, trong đó có 163 đảng viên người dân tộc thiểu số (chiếm 36,6%); toàn huyện có 7 thôn, các trường học, trạm y tế "trắng" đảng viên và chưa có tổ chức cơ sở đảng; hoạt động các chi bộ, chất lượng đảng viên khi đó còn nhiều hạn chế. Đến nay, công tác xây dựng đảng, nhất là vùng dân tộc thiểu số đã có bước tiến quan trọng. Đảng bộ huyện Đam Rông hiện có 33 tổ chức cơ sở đảng. Sau 15 năm, bằng tinh thần tự lực, năng động, sáng tạo, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Đam Rông đã dành được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 113%; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng sản phẩm bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm; tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt hơn 6.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 73,2% xuống còn 12,6% năm 2019.
Đặng Tuấn
TTXVN