Sáng 30/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp mặt Đoàn đại biểu dự Đại hội Biểu dương các mô hình học tập toàn quốc.
Cùng tham dự có: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh…
Về dự Đại hội toàn quốc ngày 1/12/2020 có 294 đại biểu được bầu chọn từ cơ sở đại diện cho hơn 16 triệu gia đình, trên 84 nghìn dòng họ, 89 nghìn cộng đồng và trên 48 nghìn đơn vị học tập với đủ các thành phần cư dân từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến vùng núi, vùng biên giới, hải đảo, với các thành phần dân tộc, mọi ngành nghề, lĩnh vực công tác, ở các lứa tuổi khác nhau trong cả nước… Trong đó, đại biểu cao tuổi nhất là 86 tuổi, trẻ nhất dưới 30 tuổi, có 10% đại biểu là người dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Vân Kiều, Bana, Jrai, Chăm, Hà Nhì…
Tại cuộc gặp, các đại biểu từ các tỉnh Quảng Bình, Phú Thọ, Long An, Bắc Kạn, đại diện cho 294 mô hình học tập đã chia sẻ kinh nghiệm thành công từ mô hình học tập gia đình, mô hình dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội gửi lời chào thân ái và lời thăm hỏi thân tình đến tất cả các bác, các anh, chị, em và các cán bộ khuyến học, những đại diện xuất sắc về dự đại hội toàn quốc biểu dương các gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập tiêu biểu trong phong trào thi đua học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2016-2020.
Động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, có thể nói, hiếu học cùng với chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn căn dặn: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có chủ trương thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Qua nghe báo cáo tóm tắt của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, cũng như qua theo dõi tình hình thực tế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, từ khi triển khai theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 112 ngày 18/5/2005 và số 89 ngày 09/01/2013 về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2005-2010 và giai đoạn 2012-2020, Quyết định số 281 ngày 20/2/2014 về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, truyền thống hiếu học đã ngày càng phát triển mạnh mẽ, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị… đã trở thành hoạt động thường xuyên, có nền nếp, quy củ, phát triển rộng khắp trong cả nước. Tổ chức Hội Khuyến học đã phủ kín các thôn, bản, xã, phường, huyện, tỉnh, thành phố với hơn 21 triệu hội viên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các đại biểu. Ảnh: Trọng Đức – TTXVN
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cùng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng và chính quyền, các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn cấp xã đã tạo điều kiện giúp con em trong các gia đình trong độ tuổi học ở bậc phổ thông đều được tới trường và hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi. Ở những nơi có phong trào tốt, người lớn trong độ tuổi lao động đều tham gia các chương trình, khóa học khác nhau để tìm được việc làm ổn định, nâng cao tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.
Nhiều học sinh, sinh viên nghèo, học sinh giỏi đã được các cấp hội ở địa phương trao học bổng. Người lớn cũng được trao học bổng nếu có thành tích học tập xuất sắc được ứng dụng vào thực tế, như: chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tạo sản phẩm mới, thu hút lao động cho địa phương, góp phần bảo vệ môi trường… Đây là nguồn khích lệ, động viên rất thiết thực đối với nhiều học sinh, sinh viên nghèo, cũng như người lao động nỗ lực vượt khó, vươn lên.
Nhiều hộ gia đình tích cực tham gia học tập thường xuyên đã thoát nghèo, có thu nhập cao hơn, trong đó có một số gia đình đã bắt đầu giàu có và phát triển bền vững. Nhiều hộ sau những khóa học đã liên kết với nhau tạo nên mô hình hợp tác sản xuất mới; hoặc phát triển sản xuất những sản phẩm hàng hóa của địa phương, được bao tiêu đầu ra, góp phần tạo ra những giá trị mới.
Đánh giá cao việc nhiều người cao tuổi vẫn đi học, nhiều gia đình có nhiều con, cháu thành đạt từ nỗ lực vượt khó vươn lên, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi biết thông tin điều tra xã hội học về tác dụng của các mô hình học tập và đồng tình với quan điểm của đa số người dân cho rằng một gia đình được công nhận là gia đình văn hóa thì trước hết phải là một gia đình học tập. Các mô hình học tập đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại khu vực...
Trong các mô hình học tập, hội viên không chỉ học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, mà còn trao đổi, truyền tải về văn hóa, đạo đức, nhất là giúp cho hội viên nhận thức rõ những tác hại để tránh xa các tệ nạn xã hội…Từ đó, đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn.
Tại những địa phương có phong trào xây dựng các mô hình học tập phát triển thì ở nơi đó người dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong học tập và đời sống, từ đó, tăng cường mối quan hệ thân thiện, gắn kết, giúp đỡ giữa mọi người và trong cộng đồng. Thông qua bình chọn các mô hình học tập và tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, không khí thi đua diễn ra sôi nổi, tạo nên sự phấn khởi trong làng xóm, thôn, bản, tổ dân phố.
Việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng thôn, bản, tổ dân phố và đơn vị học tập là động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng nông thôn mới và khối phố văn minh, khu dân cư văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả đạt được của các cấp Hội và phong trào khuyến học và biểu dương các tấm gương học tập tiêu biểu trên các lĩnh vực, trong các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, những người đang lao động, học tập, sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là những đại biểu xuất sắc có mặt tại cuộc gặp mặt.
Lan tỏa xây dựng xã hội học tập
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian tới, nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới có ý nghĩa quan trọng với nhiều dấu mốc quan trọng. Chúng ta đang đứng trước nhiều thời cơ và vận hội mới, Việt Nam đã có sự tiến bộ mạnh mẽ cả về kinh tế, khoa học - kỹ thuật - công nghệ, nguồn nhân lực và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, dự báo cũng cho thấy, chúng ta cũng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là tình hình quốc tế có nhiều biến động, thay đổi với nhiều vấn đề nội tại gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, như: già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn...
Theo Chủ tịch Quốc hội, để đưa đất nước vượt qua khó khăn, vững bước tiến vào giai đoạn phát triển mới, cần phải có những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ được Đảng, Nhà nước ta coi là quốc sách hàng đầu, là một động lực thúc đẩy và điều kiện cơ bản để bảo đảm thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Bên cạnh việc nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này, cần chú trọng đẩy mạnh hơn nữa sự học tập trong nhân dân bằng việc tiếp tục xây dựng các mô hình học tập với chất lượng cao hơn; tuyên truyền, động viên, khuyến khích để mọi người dân, mọi gia đình, dòng họ, các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp, doanh nhân… tham gia học tập suốt đời, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội Khuyến học các cấp tiếp tục quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, đặc biệt là phát triển tổ chức Hội tại các cơ sở giáo dục, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang… theo Kết luận số 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Bên cạnh đó, Hội Khuyến học cần chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, lợi ích để tích cực, tự nguyện, tự giác tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài; từ đó thu hút được sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội để có thêm nhiều nguồn lực cho hoạt động; đồng thời, phát hiện, giới thiệu, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình sáng tạo, hiệu quả trong việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Hội cần quan tâm biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho phong trào; động viên, chăm lo, phát huy vai trò của người đứng đầu, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, trong các tầng lớp nhân dân. Cán bộ, đảng viên cần phải nêu gương nhiều hơn nữa, coi việc tự học tập, rèn luyện là nhiệm vụ tự thân, là quy định bắt buộc…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng rằng phong trào học tập suốt đời sẽ tiếp tục được nhân lên, toàn xã hội tiếp tục hăng say học tập với tinh thần “học không bao giờ cùng”; các cuộc vận động, phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sẽ tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội và góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.
Hoàng Thị Hoa