Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ kỷ niệm 105 năm thành lập Bệnh viện Bạch Mai

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự lễ kỷ niệm 105 năm thành lập Bệnh viện Bạch Mai

Biểu dương những thành tựu và đóng góp to lớn của Bệnh viện Bạch Mai cho đất nước trong 105 năm qua, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân, bảo đảm nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao tầm vóc, tuổi thọ của con người Việt Nam là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Độc Lập hạng Ba lên lá cờ truyền thống của Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gắn Huân chương Độc Lập hạng Ba lên lá cờ truyền thống của Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Chủ tịch nước đề nghị, bệnh viện cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ y học tiên tiến, hiện đại; nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ bệnh viện ngang tầm khu vực và thế giới, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “...thương yêu chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Chủ tịch nước tin tưởng với truyền thống lịch sử vẻ vang 105 năm, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Bộ Y tế, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, của Thủ đô Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai sẽ trở thành một cơ sở y tế hiện đại ngang tầm với các bệnh viện tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Với tên gọi ban đầu là Bệnh viện lây Cống Vọng, từ một bệnh viện thuộc địa do người Pháp quản lý, sau Cách mạng Tháng Tám, Bệnh viện Bạch Mai trở thành bệnh viện lớn nhất của Chính phủ Cách mạng, bệnh viện của nhân dân. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bắt đầu, bệnh viện đã trở thành pháo đài chống trả quân xâm lược tiến vào phía nam Hà Nội. Trong thời gian địch tạm chiếm, chi bộ và công đoàn cơ sở tại bệnh viện đã hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ Bệnh viện Bạch Mai đến ngày Thủ đô được giải phóng gần như nguyên vẹn. Hòa bình lập lại, bệnh viện được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng để phục vụ nhân dân, đồng thời là một trung tâm y học, một cơ sở đào tạo cán bộ của Ngành Y tế. Bệnh viện có vinh dự được Bác Hồ hai lần đến thăm, động viên và nhắc nhở nhiệm vụ cao cả của người thầy thuốc trong việc chăm sóc bệnh nhân. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Bệnh viện đã cử nhiều bác sĩ và nhân viên vào phục vụ chiến trường miền Nam; tổ chức nhiều đội phẫu thuật lưu động phục vụ chiến sĩ và đồng bào khu 4, tuyến lửa anh hùng. Là trung tâm y tế lớn nhất miền Bắc, Bệnh viện Bạch Mai đã 4 lần trở thành mục tiêu tấn công của máy bay Mỹ. 28 cán bộ y tế, bệnh nhân bị giết hại trong trận bom ngày 22/12/1972, nhưng cán bộ, nhân viên bệnh viện đã anh dũng kiên trì bám trụ để cứu chữa, điều trị bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN

Vượt lên những khó khăn của đất nước trong những năm sau ngày thống nhất đất nước, bệnh viện đã từng bước thay đổi cơ chế hoạt động, phát triển một số khoa trở thành một trong những bệnh viện đầu ngành và là một trung tâm y tế lớn. Đất nước đổi mới, Bệnh viện Bạch Mai đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ các thầy thuốc, trở thành một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, hiện đại, ngang tầm các nước trong khu vực. Với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên có trình độ cao, nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã được Bệnh viện ứng dụng, nâng cao chất lượng chuẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh; góp phần quan trọng cùng Ngành Y tế khống chế thành công nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời là một trong những trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo hàng đầu của Ngành Y cả nước. 

Với những thành tích và đóng góp to lớn cho đất nước, Bệnh viện Bạch Mai và nhiều tập thể, cá nhân các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên của bệnh viện đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương, danh hiệu và phần thưởng cao quý. Trong dịp kỷ niệm 105 năm thành lập, Bệnh viện vinh dự được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (lần thứ hai); hai cá nhân là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh và Giáo sư Nguyễn Lân Việt được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Việt, nguyên Viện Trưởng Viện Tim mạch Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Việt, nguyên Viện Trưởng Viện Tim mạch Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
 
 
 

Có thể bạn quan tâm