Ông Hàng A Kỷ, bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng (Lai Châu) chủ động gia cố lại chuồng trại cho đàn trâu bò khỏi bị rét. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN |
Nùng Nàng là xã vùng cao của tỉnh Lai Châu có độ cao trung bình trên 1.100m, điểm cao nhất lên đến 1.700 - 1.800 m so với mực nước biển, do đó vào mùa đông sẽ chịu nhiều đợt rét sâu, rét hại ảnh hưởng lớn đến đàn gia súc. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền và vận động nhân dân dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại mà trong 3 năm gần đây đàn gia súc trên 4.000 con của xã Nùng Nàng không bị thiệt hại trong các đợt rét đậm, rét hại.
Chiều tối hàng ngày, bà Tẩn Thị Ly, bản Cư Nhà La (Lai Châu) lại lùa đàn ngựa về chuồng để không bị rét khi thả rông ngoài nương. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN |
Với 4 con trâu và 2 con bò, ngay từ đầu mùa đông, gia đình anh Hầu A Kỷ ở bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường đã chủ động dự trữ rơm rạ, trồng cỏ voi và sữa chữa, gia cố lại chuồng trại. Nhờ đó, đàn trâu, bò của gia đình anh không bị đói, luôn khỏe mạnh để chống chọi với cái rét. “Trước đây gia đình mình hay thả rông trâu bò trên nương, trong rừng. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền xã tuyên truyền, vận động mình đã chủ động dự trữ rơm rạ với trồng cỏ voi để cho trâu bò ăn vào mùa đông. Đồng thời gia cố, quây chuồng lại cho chắc chắn, đảm bảo trâu bò nhà mình không bị chết rét và bị ốm đau”, anh Hầu A Kỷ chia sẻ. Theo ông Ma Gang Dinh, Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng, tính đến cuối tháng 11/2018, tổng đàn gia súc trên địa bàn xã đạt gần 4.300 con. Để đảm bảo cho việc chống đói rét cho gia súc trong mùa đông năm 2018 - 2019, ngay sau khi triển khai thu hoạch vụ mùa đối với lúa, UBND xã đã ban hành công văn chỉ đạo và đôn đốc các hộ dân thu gom rơm rạ, vận động bà con các dân tộc trên địa bàn trồng cỏ voi..., để dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông. Cùng đó, thành lập các tổ đi vận động bà con nhân dân phòng chống rét cho gia súc, kiểm tra từng hộ gia đình có chăn nuôi gia súc và hướng dẫn cách thức che bạt, gia cố và sửa chữa chuồng trại sao cho hợp lý...
Anh Hàng A Thái, bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường (Lai Châu) trồng cỏ voi để phục cho đàn gia súc vào mùa đông. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN |
Ngoài ra, để tận dụng nguồn hỗ trợ của Nhà nước, xã cũng vận động bà con nhân dân xây dựng truồng trại kiên cố, để đảm bảo chống rét cho gia súc duy trì tỉ lệ đàn gia súc phát triển theo kế hoạch đã được giao. “Nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mà hiện nay hộ nào cũng có trách nhiệm tích trữ rơm rạ và trồng cỏ để đảm bảo dự trữ thức ăn cho gia súc, đảm bảo không để xảy ra tình trạng gia súc bị bỏ đói và chết do đói, rét”, ông Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng khẳng định. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện đang tích cực tuyên truyền vận động người dân chủ động giữ trữ thức ăn đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng; gia cố, che chắn chuồng trại tránh để gia súc bị chết vì đói, rét. Đồng thời, tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh để có chủ động biện pháp ứng phó kịp thời. Ông Hà Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn về khí tượng thủy văn, mùa đông năm 2018 - 2019 sẽ có diễn biến rất phức tạp, các đợt không khí lạnh trong năm nay sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề sản xuất, đặc biệt là vấn đề bảo vệ cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chủ động ban hành các văn bản để phối kết hợp với UBND các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động trong vấn đề phòng chống đói, rét cho gia súc và chuẩn bị dự trữ thức ăn thô để đảm bảo cho gia súc gia cầm trong dịp mùa đông năm nay.
Anh Hầu A Kỷ, bản Lao Tỷ Phùng, xã Nùng Nàng, huyện Tam Đường, chủ động dự trữ rơm rạ cho đàn gia súc vào mùa đông. Ảnh: Công Tuyên-TTXVN |
Ngoài ra, Sở cũng khuyến cáo nhân dân các dân tộc chủ động nắm bắt tình hình thời tiết thông qua phương tiện thông tin đại chúng để biết sớm các đợt rét đậm, rét hại, chủ động đưa các đàn gia súc từ rừng về để nuôi nhốt. Đặc biệt ở những nơi vùng cao như Sìn Hồ, Mường Tè thì người dân nên di chuyển đàn gia súc xuống các vùng thấp trước các đợt rét đậm, rét hại. Ngày 16/11/2018, UBND tỉnh Lai Châu cũng ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Chỉ thị quy định rõ, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng vật nuôi bị chết do đói, rét, dịch bệnh trên địa bàn, do chủ quan lơ là hoặc chỉ đạo thực hiện chưa nghiêm túc, quyết liệt; người dân sẽ không được hỗ trợ nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở.
Công Tuyên