|
Chuyên gia Milan Vodicka, báo Mlada fronta Dnes (MfD), nhận định: Thủ phạm các vụ tấn công xuất thân từ các cộng đồng Hồi giáo tại các nước thành viên EU đã cho thấy sự thất bại của chính sách nhập cư và tái hội nhập người nhập cư vào xã hội châu Âu. Các vụ khủng bố diễn ra ngày một thường xuyên hơn nhưng các chính trị gia châu Âu vẫn phản ứng theo một luận điệu quen thuộc - các hành động này chống lại các giá trị tự do, dân chủ.
Nói về việc Cao ủy phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại của EU Federica Mogherini bật khóc trong buổi họp báo sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào Brussels, Bỉ, ông Milan nhấn mạnh: “Hãy tưởng tượng phản ứng của các nhà lãnh đạo Israel trong tình huống tương tự”, Chuyên gia này cũng cho rằng việc một trong những nghi phạm tấn công khủng bố Paris Salah Abdeslam bị bắt đã thúc đẩy các vụ nổ bom tại Brussels. Sự vui mừng trước việc bắt giữ nghi phạm Abdeslam là quá sớm cũng giống như việc tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden trước đây, các tổ chức khủng al-Qaeda vẫn tồn tại và dần bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nguy hiểm và manh động hơn “thế chỗ”. Bài học mà châu Âu rút ra được là cần phải đoàn kết hơn trong cuộc chiến chống khủng bố và “tất cả chỉ có vậy”.
Trên Thời báo kinh tế (HN), chuyên gia Martin Ehl nhận định rằng châu Âu đã bắt đầu chú ý đến việc thay đổi “môi trường” các khu vực bên ngoài EU. Đến nay EU vẫn được coi là “quyền lực mềm” trong việc đảm bảo ổn định và thịnh vượng của các nước thành viên cũng như thúc đẩy những giá trị này ở các khu vực bên ngoài EU. Tuy nhiên, tình hình các khu vực bên ngoài EU đã và đang thay đổi nhanh chóng trong những năm qua. Châu Âu đã không kịp thời trong việc đánh giá những thay đổi này để có chính sách ứng phó phù hợp. Các vụ tấn công khủng bố như ở Brussels vừa qua đẩy nhanh quá trình tan rã của EU từ bên trong, và đó cũng chính là mục tiêu của lực lượng Hồi giáo cực đoan. Cho đến nay các chính trị gia EU, vốn đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác, dường như không thể đảo ngược được xu hướng này.
Chuyên gia Jakub Janda (báo Jakub Lidove Noviny) nhận định: Đối với châu Âu chống khủng bố là chưa đủ mà cần phải tấn công vào chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, hệ tư tưởng đang kích động các vụ tấn công khủng bố. Châu Âu cần buộc tất cả những người nhập cư Hồi giáo tái hội nhập vào xã hội một cách “vô điều kiện” như việc chấp nhận các quy định luật pháp, tự do dân chủ và các giá trị khác được xã hội châu Âu tôn trọng. Tôn giáo không phải là lý do để các nhóm xã hội phớt lờ các giá trị tự do, dân chủ hay làm ngơ trước những hành động bạo lực trong các cộng đồng Hồi giáo, hoạt động bài người Do Thái, đàn áp phụ nữ, vi phạm nhân quyền… Châu Âu cần phải có chính sách phù hợp trong việc tái hội nhập người nhập cư đến từ các quốc gia gia nhau. “Tái hội nhập” không phải là một quy trình máy móc, các chương trình này cần phải giúp người nhập cư thích ứng với môi trường xã hội mới. Quá trình tái hội nhập người nhập cư Ukraine chắc chắn phải khác đối với người nhập cư Iraq. Châu Âu cũng cần phải ngăn chặn tác động tiêu cực, nhất là xu hướng cực đoan hóa từ “các nhân tố bên ngoài” như Saudi Arabia và Qatar, đối với các cộng đồng người Hồi giáo địa phương.
Chuyên gia Michal Mocek (báo Pravo) nhấn mạnh: Châu Âu cần phải điều chỉnh chính sách chống khủng bố. Châu Âu không có cơ hội nào khác ngoài việc chuẩn bị các biện pháp mới để đối phó với nguy cơ khủng bố một cách hiệu quả hơn. Rõ ràng, tuyên bố của các chính trị gia châu Âu sau các vụ khủng bố về việc một xã hội dân chủ sẽ chống lại các mối đe dọa, phát huy sức mạnh của nhà nước… như thế nào là không hiệu quả. Các vụ khủng bố ở Brussels sẽ gia tăng sức ép trong việc kiểm soát người nhập cư vào châu Âu, nhất là yêu cầu từ các quốc gia đòi áp dụng các biện pháp mạnh như đóng cửa biên giới EU.