Cách đây 71 năm, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành xuất sắc vai trò đặc biệt quan trọng, đẩy lùi nạn đói năm 1945, làm tròn vai trò hậu phương lớn trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống xâm lược. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, nhất là sau hơn 30 năm đổi mới, nông nghiệp và nông thôn đã phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện. Trong ảnh: Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Tuy nhiên, một trong những vướng mắc lớn nhất và thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, đó là ai sẽ giúp họ và giúp như thế nào để doanh nghiệp có thể bắt tay hợp tác cùng nông dân; để đất đai có thể được đưa vào sản xuất tập trung, tránh tình trạng manh mún, kém hiệu quả hay nguy cơ “được mùa, mất giá” như lâu nay các cá thể sản xuất nông nghiệp luôn phải hứng chịu?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Trung tâm giống nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long cho hay, để có được những khu trang trại đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thì khó khăn lớn nhất hiện nay là chính sách tích tụ ruộng đất. Trong bối cảnh hiện nay, với tình trạng đất đai bị chia nhỏ, người nông dân sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng lớn tới năng suất, tới chất lượng nông sản và sẽ khó có thể đưa khoa học, công nghệ cao vào ứng dụng.
Thực tế tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích bình quân hiện tại thì mỗi hộ gia đình được phân từ 0,3 ha đến 0,5 ha nên việc tổ chức sản xuất, liên kết lại với nhau, cùng làm theo 1 quy trình nông nghiệp công nghệ cao là rất khó.
Theo TS Nguyễn Thị Tuyết Mai chủ trương giao cho UBND các tỉnh, thành phố đứng ra đại diện để thuê đất của dân rồi giao cho doanh nghiệp thuê lại là hợp lý vì nếu để doanh nghiệp trực tiếp làm việc với người dân sẽ gặp 4 vướng mắc. Một là khó thương lượng được về giá cả, hai là vướng mắc về thời gian, 3 là khả năng không tập trung được đất đai và 4 là chính sách hỗ trợ đối với người dân sau khi cho thuê đất.
Tuy nhiên, việc giao cho UBND các tỉnh, thành phố đứng ra thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp thuê cũng sẽ khó khả thi. Bởi đòi hỏi phải có một nguồn kinh phí đủ lớn để chính quyền địa phương làm việc ấy. Chính phủ cũng cần cụ thể hóa chủ trương này thành những văn bản, hướng dẫn để từng địa phương nắm rõ và triển khai.
Chưa kể tới việc khi đất nông nghiệp đã được thu hồi mà chưa có doanh nghiệp nào sẵn sàng đầu tư và thuê lại, rồi đất đó để trống, để hoang như đã từng xảy ra trước đây thì sẽ tạo dư luận xấu. Đó chính là lý do vì sao đang có rất nhiều tỉnh còn dè dặt và ngần ngại triển khai chính sách này.
Các địa phương vùng trồng lúa tỉnh Bạc Liêu đang tiếp tục vận động nông dân tham gia canh tác theo mô hình cánh đồng mẫu lớn để có điều kiện hưởng lợi và đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tính đến tháng 8/2016, Bạc Liêu đã xây dựng được 40 cánh đồng mẫu lớn, với tổng diện tích hơn 5.500 ha tại 3 huyện Phước Long, Hồng Dân và Vĩnh Lợi. Trong ảnh: Nông dân huyện Vĩnh Lợi chăm sóc lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ảnh: Huỳnh Sử- TTXVN |
Từ thực tiễn của địa phương, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch, UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, chủ trương mở rộng hạn điền và tích tụ ruộng đất của Chính phủ được dự báo sẽ tác động tích cực tới hiệu quả sản xuất nông nghiệp, song để hiện thực hóa được lại là câu chuyện khác.
Hiện nay, người dân cũng đã ý thức được rằng việc sản xuất nông nghiệp dựa trên diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ sẽ không hiệu quả và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn tới lợi nhuận thu lại không cao. Bản thân người dân địa phương cũng rất mong muốn được phối hợp, hợp tác cùng các doanh nghiệp để sản xuất theo quy trình sạch và tăng cường đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên, thu hút được doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương cũng không dễ dàng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó, có chủ trương chung của Chính phủ và chính sách ưu đãi riêng của từng địa phương. Đây là bài toán hai chiều và đôi bên cùng có lợi. Cốt yếu là cần sự cụ thể hóa các chủ trương bằng những văn bản hướng dẫn.
Cụ thể như các doanh nghiệp hay nông dân mua đất để tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất tập trung thì sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ đặc biệt như thế nào? Nhất là khi chuyển đổi mô hình, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi khác nếu trồng lúa không hiệu quả? Trong khi chờ đợi chính sách của Chính phủ, tỉnh Vĩnh Long đang chủ trương dựa vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để vận động người dân hợp tác hùn đất với doanh nghiệp để cùng đầu tư sản xuất, đó cũng là 1 hướng đi, ông Trung khẳng định.
Trước những băn khoăn về nguồn kinh phí để bồi hoàn cho người dân khi chính quyền thu đất, ông Trung cho rằng, doanh nghiệp không thể trực tiếp làm việc với người dân bởi vì mỗi người mỗi ý. Muốn hợp tác được, muốn ký hợp đồng được phải thông qua chính quyền địa phương, thông qua tổ hợp tác hoặc các hợp tác xã.
Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, UBND các xã, huyện tỉnh Vĩnh Long tiến hành gom đất từ nông dân để hỗ trợ doanh nghiệp và tạm ứng bằng nguồn ngân sách. Tuy nhiên, đây là việc không dễ làm, nhất là trong bối cảnh nguồn lực địa phương còn rất hạn chế như hiện nay.
Có lẽ, Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp cho vay để doanh nghiệp và các địa phương có thể chủ động về nguồn lực mua lại hoặc thuê lại đất đai từ người dân để đầu tư cho sản xuất, ông Trung kiến nghị.
Cùng có chung quan điểm, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch, UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết, chính sách mở rộng hạn điền là biện pháp tháo gỡ nhiều khó khăn cho ngành nông nghiệp hiện tại và đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mà tỉnh Bình Thuận đang chủ trương thúc đẩy thu hút đầu tư.
Về cơ bản, Bình Thuận có rất nhiều tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, các hoạt động kinh tế nông nghiệp của tỉnh cũng hết sức phong phú và đa dạng. Ngoài cây thanh long, vốn nổi tiếng cả nước và trên thế giới, Bình Thuận còn nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế khác.
Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực công nghệ cao nên vẫn chưa khai thác, tận dụng hết các lợi thế, tiềm năng của tỉnh. Chính vì lẽ đó, chủ trương mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất và gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ là cú hích lớn đối với các doanh nghiệp nói riêng và đối với tỉnh Bình Thuận nói chung.
"Chỉ mong sao cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp ngành nông nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn tín dụng này một cách thuận lợi và đơn giản. Có như vậy mới hiện thực hóa được mục tiêu đề ra của chính sách tích tụ đất đai, mở rộng hạn điền", ông Nam nhấn mạnh.
Thạch Huê
Tin liên quan:
Khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp (Bài 1)
Khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp (Bài 2)
Khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp (Bài 3)
Khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp (Bài 1)
Khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp (Bài 2)
Khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp (Bài 3)
TTXVN