Khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp (Bài 1)

Khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp (Bài 1)
Tuy vậy, bên cạnh hoàn thiện các chính sách giao đất, tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Nhà nước cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hơn nữa nhằm đẩy mạnh chính sách khuyến khích tích tụ và tập trung đất nông nghiệp, để tạo một hệ thống đồng bộ thống nhất trong quản lý, sử dụng đất đai phục vụ cho việc cải cách ngành nông nghiệp, góp phần công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững và hiệu quả hơn nữa trong những năm tới. 

Để làm rõ hơn chủ trương lớn này, chúng tôi giới thiệu chùm 3 bài viết với chủ đề Khuyến khích tích tụ, tập trung đất nông nghiệp. 

Bài 1: Thực trạng và giải pháp 

Thực tiễn cho thấy chính sách đất đai đã theo kịp và thúc đẩy được nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam qua việc sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới Luật Đất đai qua các thời kỳ. Đối với quá trình tích tụ ruộng đất thì việc quy định thời hạn sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất cũng như vấn đề tài chính đất đai có ý nghĩa quan trọng và tạo được hiệu ứng mạnh mẽ, khả thi từ chính sách. Tuy vậy, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp khác trong các lĩnh vực: kiểm kê, thống kê đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất… để thống nhất trong việc quản lý, sử dụng đất đai phục vụ cho việc cải cách ngành nông nghiệp, góp phần công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Hình thức tích tụ ruộng đất 

Tích tụ ruộng đất được xem như một quy luật tất yếu đối với ngành nông nghiệp, nhưng vấn đề thường được đưa ra là tích tụ như thế nào, quy mô bao nhiêu và ở đâu cho phù hợp. Thực tế những năm qua, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của sản xuất nông nghiệp, ở nước ta đã có nhiều hình thức tích tụ ruộng đất nhưng chủ yếu tập trung vào một số hình thức sau. Cụ thể, với việc lập trang trại từ việc thuê đất công với đất tư, nhận chuyển nhượng, mượn hoặc được giao, được thừa kế, cho… để hình thành trang trại có quy mô từ nhỏ đến lớn. Đối với vùng Đồng bằng Bắc Bộ và vùng Trung du miền núi phía Bắc, tích tụ ruộng đất chậm hơn, loại hình trang trại chủ yếu là trồng cây ăn quả, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Ở khu vực này, kinh tế hộ gia đình quy mô nhỏ chiếm chủ yếu. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nổi bật là Kiên Giang phát triển khá mạnh với hơn 7.500 trang trại và quy mô trung bình mỗi trang trại gần 5ha. Trong đó có 5.000 trang trại trồng trọt, hơn 2.200 trang trại nuôi trồng thủy sản. 
 
Nông dân ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc xã Trí Bình, huyện Châu Thành thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Nông dân ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc xã Trí Bình, huyện Châu Thành thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN

Hình thức dồn điền, đổi thửa để phát triển kinh tế nông hộ, có dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp là hình thức phổ biến mà nhiều địa phương đã và đang làm (như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Định…). Đây là một yêu cầu của tích tụ ruộng đất để thực hiện cơ giới hóa có hiệu quả trong giai đoạn đầu, sau đó có thể chọn hình thức hợp tác liên kết sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. 

Với hình thức các hộ tự nguyện góp đất, vốn mua máy lập tổ hợp tác sản xuất, Nhà nước hỗ trợ vốn để mua máy, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả cho từng hộ theo mức tích tụ đất và vốn của mỗi hộ. Đây là một hình thức tích tụ hợp lý thỏa mãn được đầy đủ các yêu cầu của tích tụ ruộng đất và sẽ hoàn thiện dần từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều, từ nông đến sâu, từ tổ hợp tác sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở liên kết nông - công - thương trong tương lai. 

Hình thức hộ nông dân góp vốn cổ phần bằng đất để sản xuất kinh doanh như những cổ đông (ngành mía đường, cà phê, cao su). Hộ nông dân sau khi góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất sẽ là thành viên của Công ty, được hưởng chế độ quy định, được bố trí làm việc theo khả năng của từng người. Một bộ phận nông dân tự chuyển nhượng cho nhau khi không còn nhu cầu sản xuất hay không có khả năng sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất không hiệu quả nhưng mới chỉ dừng lại ở các trường hợp tình thế mà chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông dân và nông thôn. 

Thực tế, tổng diện tích đất nông nghiệp (không bao gồm đất lâm nghiệp) là hơn 10 triệu ha, với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân, trung bình mỗi hộ có 5 thửa đất, mỗi thửa đất nông nghiệp có diện tích trung bình là 0,14 ha và có hơn 80% nông dân có diện tích dưới 1ha và trên 4 thửa/1 hộ. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đạt trên 90% và tổng số giấy chứng nhận đã cấp (kể cả cũ và mới) với trên 20 triệu giấy chứng nhận. Nếu thực hiện “dồn điền, đổi thửa” một cách hoàn hảo và lý tưởng nhất, mỗi hộ nông nghiệp khi đó có duy nhất một thửa ruộng thì thửa ruộng đó mới chỉ có diện tích là 0,7 ha. 

Đồng thời nước ta đang có khoảng 100.000 trang trại, với tổng diện tích đất khoảng 500.000 ha, diện tích bình quân mỗi trang trại là 5 ha. Muốn hình thành một trang trại thì trung bình phải gom đất ruộng của ít nhất 7 hộ gia đình. Mặt khác cho thấy chỉ có hơn 60% nguồn lực xã hội dành cho nông nghiệp và chỉ chưa đầy 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, số doanh nghiệp vốn hóa trên thị trường chứng khoán mới chỉ có 3% trên thị trường là quá thấp so với tiềm năng. 

Đối với đất nông nghiệp, chính sách đất đai đã thể chế hóa đầy đủ và toàn diện trong việc mở rộng hạn mức sử dụng đất, thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm thống nhất cho các loại đất nông nghiệp (đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm, đất lâm nghiệp), cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ đất đai với diện tích lớn hơn nhưng không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Khuyến khích tích tụ đất đai thông qua cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, nhận quyền thuê đất để thuận lợi cho ứng dụng khoa học và công nghệ, cơ giới hóa và phát triển sản xuất hàng hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để ngành nông nghiệp tổ chức thực hiện tái cơ cấu ngành nhanh và bền vững. 

Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp 

Theo ông La Văn Thịnh, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính, để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai nhằm công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, trước mắt Chính phủ cần nhanh chóng ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 29/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó quy định ưu đãi nghĩa vụ tài chính đất đai phù hợp với Luật Đất đai năm 2013, khuyến khích các doanh nghiệp tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để sản xuất với quy mô lớn và khoa học công nghệ tiên tiến. Cần sửa đổi, bổ sung quy định hướng dẫn về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước theo hướng cải cách thủ tục hành chính trong việc thu, nộp, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp thuê mặt bằng kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản; cụ thể sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. 

Mặt khác nên tổng kết, đánh giá thí điểm tại Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thí điểm cho hộ nông dân góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất, thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La để hoàn thiện chính sách cho phép nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thực hiện các dự án trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành dưới hình thức Quyết định) 

Ngoài ra, sửa đổi chính sách thu hồi đất sản xuất nông nghiệp (tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP) theo hướng chặt chẽ để nhằm hạn chế tối đa việc chuyển đất nông nghiệp sang các mục đích khác, đảm bảo giữ ổn định diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, cần xác định giá thu hồi đất đai phục vụ các dự án mang mục đích kinh tế là giá thị trường. 

Cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho thuê đất, mua đất nông nghiệp để khuyến khích những hộ nông dân sản xuất giỏi tích tụ ruộng đất đồng thời đánh thuế cao đối với trường hợp bỏ hoang đất đai. Nhanh chóng rà soát và xử lý vướng mắc về tài chính đất đai liên quan đến quá trình sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường để thúc đẩy việc sử dụng có hiệu quả đất nông, lâm trường. 

Trình Chính phủ ban hành Nghị định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban Quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước thay thế Nghị số 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ để phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013, Bộ Luật Dân sự 2015 và thống nhất với các văn bản khác liên quan đến quản lý rừng và khắc phục những tồn tại tại Nghị định số 135/2005/NĐ-CP. Nghị định này nên quy định theo hướng chỉ khoán rừng, vườn cây và mặt nước, không giao khoán đất để tránh tình trạng đất đai bị chia nhỏ manh mún; quy định rõ đơn giá khoán và chia sẻ lợi ích, nguồn kinh phí khoán bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng... 

Có thể nói, chính sách tài chính đất đai theo Luật Đất đai năm 2013 đã tạo ra khung pháp lý khá hoàn thiện góp phần tích cực phát triển nguồn lực tài chính từ đất đai nói chung, đồng thời thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất đai phục vụ quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn nói riêng với nhiều quy định theo hướng mở và tăng các ưu đãi về nghĩa vụ tài chính đất đai cần thiết. 
Diệu Thúy
Xem tiếp Bài 2: Vướng mắc trong tiếp cận đất đai của doanh nghiệp nông nghiệp
Xem tiếp Bài 3: Cần có khung pháp lý cụ thể
TTXVN

Có thể bạn quan tâm