Chiều 17/10, lũ trên các sông từ Quảng Bình - Bình Định, Kon Tum, Gia Lai tiếp tục lên

Nước suối dâng cao tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định. Ảnh: TTXVN phát
Nước suối dâng cao tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định. Ảnh: TTXVN phát

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tính đến 7 giờ ngày 17/10, khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Hồ Kim Sơn 151 mm, Kỳ Thịnh 149,4 mm (Hà Tĩnh); Trường Sơn 147,6 mm, Lâm Thủy 94,8 mm, Trường Xuân 80,4 mm (Quảng Bình); Vĩnh Ô 97,4 mm, Tà Long 88,4 mm, Hướng Sơn 65,6 mm (Quảng Trị); Hương Nguyên (A Lưới) 139 mm. Đập thủy điện Thượng Nhật 129,6mm, Rào Trăng 4 101mm (Thừa Thiên - Huế); Trà Giáp 208,4 mm, Trà Leng 150,8 mm, Phước Công 147,6 mm (Quảng Nam); Giá Vực 193,4 mm, Trà Hiệp 135,8 mm, Ba Cung 133,4 mm (Quảng Ngãi). Quy Nhơn 163,8 mm, Phù Mỹ 154,4 mm (Bình Định); Cù Mông 134,7 mm, Xuân Lộc 71,8 mm (Phú Yên); Pờ Ê 174 mm, Măng Cành 132,2 mm, Đắk Lây 131 mm (Kon Tum); Krông 128,6 mm, Chư Ty 127 mm, Thủy điện Ia Grai 98,2 mm (Gia Lai)...

Đến 13 giờ ngày 17/10, khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa khu vực Hà Tĩnh, Khánh Hòa từ 20-60 mm, có nơi trên 80 mm; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên từ 40-80 mm, có nơi trên 100 mm, khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên từ 80-120 mm, có nơi trên 150 mm, riêng Thừa Thiên - Huế có nơi trên 180 mm.

Chiều 17/10, lũ trên các sông từ Quảng Bình - Bình Định, Kon Tum, Gia Lai tiếp tục lên ảnh 1Nước suối dâng cao tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định. Ảnh: TTXVN phát

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng tại khu vực Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên. Nguy cơ ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh: Thành phố Huế, thị xã Hương Trà, Phú Lộc, Phong Điền (Thừa Thiên - Huế); thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành (Quảng Nam); Bình Sơn, Tư Nghĩa, thị xã Đức Phổ. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, chiều 17/10, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai tiếp tục lên. Sáng 18/10, lũ trên các sông ở từ Quảng Bình đến Bình Định, Gia Lai tiếp tục lên, sau đó dao động ở mức cao; các sông ở Kon Tum đạt đỉnh và sẽ xuống.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, Kon Tum và Gia Lai. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Các chuyên gia hướng dẫn, người dân sống ở vùng núi phải thường xuyên chú ý, quan sát xung quanh nơi ở để sớm phát hiện các dấu hiệu sạt lở như vết lún, vết nứt trên mặt đường, tường nhà, cây cối nghiêng dần, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... cần chạy nhanh ra khỏi khu vực sạt lở, tuyệt đối không đi qua các khu vực đã sạt lở vì vẫn tiềm ẩn khả năng tiếp tục sạt lở.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai thì lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần nhanh chóng di chuyển đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền đảm bảo an toàn tính mạng.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trong vùng chịu ảnh hưởng của mưa lũ cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân chủ động phòng, chống bão lũ; yêu cầu các sở, ngành, huyện, thị xã và thành phố tăng cường công tác kiểm tra tại cơ sở để có phương án ứng phó kịp thời với thiên tai khi có tình huống xấu xảy ra.

Diệu Thúy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm