Chênh lệch giữa các vùng và nhóm dân tộc ảnh hưởng tới chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Ngày 28/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Chênh lệch giữa các vùng và nhóm dân tộc ảnh hưởng tới chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ảnh 1Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Tiến sỹ Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết: Công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%. Tỷ lệ phụ nữ sinh nở được nhân viên y tế đỡ duy trì 95 - 97%. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau sinh nở đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, thách thức ảnh hưởng đến về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc.

Theo đó, tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng 3 cao gấp 3,5 lần so với vùng 1, trong khi đó, tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc H'Mông cao gấp 7 - 8 lần so với dân tộc Kinh, Tày. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở dân tộc thiểu số với dân tộc kinh ngày càng gia tăng (năm 2006 là 1,35 lần; năm 2014 là 4,3 lần).

Bên cạnh đó, tử vong sơ sinh còn cao chiếm đến 70 - 80% tử vong trẻ dưới 1 tuổi, 50 - 60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn vẫn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao so với trung bình cả nước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15,0% và 21% so với 8,5%).

Lý giải thực trạng này, Tiến sỹ Trần Đăng Khoa cho biết, nguyên nhân thứ nhất là việc thiếu nhân lực, đặc biệt là thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức. Thực tế cho thấy có 30% bác sỹ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện. Thứ hai là thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Thêm vào đó, ở những vùng khó khăn, năng lực của đội ngũ nhân viên y tế về cấp cứu sản khoa, sơ sinh, trong các khâu như sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí còn hạn chế.

Đặc biệt, công tác duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp khó khăn do y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản không còn được hưởng phụ cấp, gây khó khăn trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng dân tộc thiểu số.

Hiện cả nước có hơn 24.750 hộ sinh, trong đó 32,7% ở tuyến tỉnh, 37,7% tại tuyến huyện và 25,7% ở tuyến xã. 93,2% hộ sinh hoạt động ở các cơ sở y tế công lập và 6,8% ở các cơ sở y tế tư nhân. Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã phối hợp với các bệnh viện đầu ngành để đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hộ sinh nhằm tiến tới đạt tiêu chuẩn “Người đỡ để có kỹ năng - SBA” khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Ngọc Bích

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm