Chè Tam Đường - “vàng xanh” ở Lai Châu

Chè Tam Đường - “vàng xanh” ở Lai Châu
Huyện Tam Đường có hơn 1.500 ha trồng cây lâu năm; trong đó chủ yếu là cây chè, nằm bên dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ với độ cao từ 700-1.200m so với mực nước biển, quanh năm được ban tặng nguồn nước tưới quý giá. Ngoài chất đất màu mỡ, giàu dinh dưỡng, nơi đây có biên độ khí hậu chênh lệch giữa ngày và đêm lớn tạo thiên thời, địa lợi để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc. 
 
Chè Matcha là một trong số những sản phẩm chè chất lượng cao của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường.Ảnh: Tùng Phương - CTV/ TTXVN
Chè Matcha là một trong số những sản phẩm chè chất lượng cao của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường.Ảnh: Tùng Phương - CTV/ TTXVN

Từ lợi thế đó, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường nhận thấy cần tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao... Sau nhiều lần khảo sát cùng với ngành chức năng của tỉnh, Công ty đã lựa chọn, trồng giống chè Kim Tuyên - đây là giống sinh trưởng, chống chịu sâu bệnh tốt, mật độ búp dày có chất lượng cao. 

Theo kinh nghiệm làm chè hàng chục năm của bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường, để làm ra sản phẩm chè ngon, đáp ứng yếu tố sạch phải bắt đầu từ khâu cung cấp giống, đầu tư vùng nguyên liệu, áp dụng các kỹ thuật mới, thu hái, máy móc, con người. Đồng thời phải khắt khe trong khâu trồng, chăm sóc, chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến cho sản phẩm chè chất lượng cao. 

Để tạo ra sản phẩm chè sạch, ngay từ khâu dọn dẹp thực bì, Công ty đã khuyến cáo người dân dùng hoàn toàn bằng sức lao động không sử dụng thuốc diệt cỏ. Phân bón được sử dụng chủ yếu từ phân bón hữu cơ, vi sinh ủ từ chế phẩm nông nghiệp. Cùng với đó, thành lập tổ nhóm nông dân sản xuất chè sạch với vai trò cung cấp nguyên liệu chính cho Công ty. 
 
Bà con xã Bản Bo, huyện Tam Đường thu hái chè Kim Tuyên. Ảnh: Tùng Phương - CTV/TTXVN
 Bà con xã Bản Bo, huyện Tam Đường thu hái chè Kim Tuyên. Ảnh: Tùng Phương - CTV/TTXVN

Đến nay, trên địa bàn huyện Tam Đường có 44 tổ nhóm nông dân với 1.670 hộ tham gia. Các tổ nhóm này được đào tạo, tập huấn kỹ thuật canh tác từ trồng đến thu hái. Trường hợp chè bị sâu bệnh, Công ty mời đại diện hãng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn của Việt Nam nghiên cứu đưa ra sản phẩm không ảnh hưởng đến chất lượng chè. Ngoài ra, việc thu hái thực hiện bằng tay, khoảng thời gian hái không sớm cũng không quá muộn và đảm bảo vận chuyển chè về trong ngày tránh không dập nát. 

Anh Nguyễn Văn Hùng, ở bản Hưng Phong, xã Bản Bo, huyện Tam Đường chia sẻ: “Khi hiểu được chủ trương phát triển chè chất lượng cao, tôi băn khoăn đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường nhận bao tiêu sản phẩm, năm 2012 gia đình đã trồng 5 ha chè. Đến nay, diện tích đã cho thu hoạch với năng suất 5 tấn/ha; trừ chi phí gia đình lãi 80-100 triệu đồng/năm”. 

Cùng với việc quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu sạch, khắt khe trong khâu trồng, chăm sóc, thu hái, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường còn chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ tiên tiến. 
 
Sản phẩm chè chất lượng cao của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường.Ảnh: Tùng Phương - CTV/TTXVN
Sản phẩm chè chất lượng cao của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển chè Tam Đường.Ảnh: Tùng Phương - CTV/TTXVN

Theo đó, từ tháng 6/2014, Công ty đã đầu tư dây chuyền trị giá hơn 4 tỷ đồng sản xuất chè ô long, với máy móc thiết bị được nhập khẩu từ Đài Loan. Đặc biệt, toàn bộ quá trình chế biến chè ô long chất lượng cao được sử dụng nguồn năng lượng ga. Công nghệ chế biến chè ô long khác với chế biến chè xanh là thêm công đoạn phơi nắng, hong héo, sau đó làm héo lạnh và tạo hương trước khi đưa vào diệt men. 

Đối với chè xanh thông thường sau khi diệt men và vò xong sẽ đưa vào rũ tươi. Còn chè ô long sau khi diệt men sẽ thêm công đoạn hồi ẩm, sau đó đưa vào vò, vò xong sẽ đưa vào cầu và tạo hình. Cuối cùng cho ra sản phẩm chè ô long chất lượng cao với hương vị chát dịu có hậu ngọt. 

Nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường còn xây dựng và lắp đặt dây chuyền nhà máy chế biến chè sencha, matcha công nghệ Nhật Bản với khu nhà xưởng có diện tích 1.200 m2. Nhà máy chè sencha được đầu tư trên 7 tỷ đồng, công suất chế biến 1.000 tấn búp tươi/năm, tương đương 200 tấn sản phẩm/năm. Trong sản xuất, Công ty rất chú trọng đến việc nghiên cứu đổi mới và đa dạng hoá sản phẩm, mẫu mã, bao bì để đáp ứng với mọi nhu cầu của khách hàng. 

Các sản phẩm chè sạch được người tiêu dùng biết đến và nổi tiếng như chè ô long, kim tuyên, sencha, matcha, đông phương Mỹ Nhân, đã có tên tuổi và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, Công ty là đơn vị đầu tiên trong cả nước nghiên cứu, sản xuất chế biến thành công sản phẩm độc đáo chè matcha của huyện Tam Đường. Không chỉ dùng là đồ uống bổ dưỡng mà sản phẩm chè matcha còn dùng làm thực phẩm như bánh, kẹo, kem, chế biến đồ uống... nhất là còn được dùng làm kem dưỡng da cho phụ nữ. 

Bà Nguyễn Thị Loan cho biết thêm, xuất phát từ nhu cầu về thưởng thức và sức khỏe của khách hàng, Công ty lựa chọn phát triển thương hiệu chè Tam Đường theo hướng chè sạch, sạch từ sản phẩm đến sạch trong tâm người sản xuất. Nhất quán mang đến cho người tiêu dùng trong nước những sản phẩm chè sạch, chè ngon đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tam Đường có hơn 350 ha chè chất lượng cao tại các xã vùng cao Bản Bo, Sơn Bình, đều là vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường. Công ty đã và đang tạo điều kiện cho gần 2.000 hộ dân tộc vùng núi cao có việc làm, từ việc trồng chè, thu nhập của đồng bào được nâng lên, nhiều gia đình có thu nhập từ 60-120 triệu đồng/năm…/. 
TTXVN

Có thể bạn quan tâm