Tấn Bửu (bên trái) đang trao đổi công việc với cộng sự. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN |
Cách đây 2 năm, tôi đã có dịp đến “cơ sở” tranh gạo của Bửu. Lúc này chỉ có khoảng 4 bạn sinh viên, cùng chung đam mê tìm tòi sáng tạo loại hình nghệ thuật mới đang ngồi bệt dưới sàn phòng khách nhà Bửu. Ai cũng chăm chú, tỉ mẩn gắp từng hạt gạo, quệt chút hồ dán, đính lên những nét vẽ chì phác thảo trên bìa cứng... Từng mảng tranh dần dần hiện ra trong không khí làm việc tĩnh lặng đến độ thời gian như ngưng đọng... Hai năm trôi qua, chàng sinh viên năm nào nay đã vừa tốt nghiệp, chững chạc, tự tin hơn hẳn. Tình yêu nghề của Bửu cũng dường như theo đó mà ngày càng lớn mạnh hơn, đặc biệt là khi được tiếp thêm cánh từ Thành Đoàn thành phố, Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh niên thành phố... Tấn Bửu hồ hởi: Tháng 3 tới em sẽ chính thức “nâng cấp” mô hình tranh gạo của mình lên thành doanh nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc để em có thể mở rộng thị trường ra nước ngoài, đặc biệt là các nước khó tính như Nhật Bản, Pháp...
Tấn Bửu đính gạo lên túi xách. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN |
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp sáng tạo của mình, Bửu cho biết, ban đầu, các hạt gạo chỉ đơn thuần được xử lý bằng nhiệt để cho ra những cấp độ màu khác nhau, từ màu trắng – nâu – đen. Tổng cộng em cho ra được 36 cấp độ màu, đáp ứng tốt cho nhu cầu phối màu của tranh gạo hình 12 con giáp, chữ thư pháp theo bộ: Phúc Lộc Thọ, ... Tuy nhiên, sau một thời gian, thị trường tranh gạo đạt đến mốc bão hòa, thậm chí có một số phản hồi về độ chịu ẩm kém của các tác phẩm làm từ gạo, cộng với sự đơn điệu trong màu sắc và chủ đề tranh khiến thị trường tiêu thụ giảm hẳn, một số bạn trong nhóm đã rời đi tìm công việc khác. Trăn trở trước thực tế đó, Tấn Bửu ngày đêm suy nghĩ và mò mẫm thử nghiệm. Em nhận thấy để đưa được gạo vào các dòng tranh nghệ thuật thì cần phải đa dạng màu sắc hơn nữa cũng như mở rộng việc chế tác tranh gạo ra các chất liệu đa dạng hơn, thay vì chỉ làm trên bìa ván ép như trước. Qua nhiều lần thử nghiệm, nhiều mẻ gạo phải đổ bỏ, Tấn Bửu đã thành công trong công đoạn nhuộm màu cho hạt gạo. Điểm đặc biệt là tất cả các màu đều được lấy từ 100% thiên nhiên: Màu xanh từ hoa đậu biếc, màu đỏ từ củ dền, màu vàng từ nghệ... Tiếp đến, em bắt đầu thử nghiệm đính các tác phẩm nghệ thuật từ gạo lên túi da. Ban đầu em chấp nhận bỏ vốn mua những túi da công nghiệp chất liệu rẻ tiền về cho các bạn trong nhóm thử nghiệm.
Không khí làm việc tại cơ sở tranh gạo Tấn Bửu. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN |
Đến khi đã nhuần nhuyễn tay nghề và kiểm tra độ bền của sản phẩm, Tấn Bửu mới mạnh dạn đặt mua túi da tốt về đính gạo. Trong công đoạn vẽ phác thảo, Tấn Bửu cũng đã “công nghiệp hóa” được phần nào khi đặt vẽ tranh bằng vi tính thay vì vẽ tay. Điều này giúp cho các đường nét, màu sắc của bức tranh được người thực hiện đính gạo dễ nhận diện hơn, chọn màu chuẩn hơn. Vượt qua hết những khó khăn về xử lý hạt gạo không bị mốc, màu sắc nhuộm gạo được tươi lâu, tranh gạo chịu được mưa nắng để phù hợp với các sản phẩm túi xách được sử dụng thường xuyên, thay vì được lắp kinh treo trên tường như các sản phẩm tranh gạo truyền thống..., đến nay tranh gạo màu trên túi da đã được đưa vào thương mại hóa và là sản phẩm độc quyền của Khửu Tấn Bửu. Ý tưởng này được các cấp lãnh đạo thành phố Cần Thơ hỗ trợ tối đa trong các khâu hướng dẫn đăng ký sở hữu trí tuệ, hoạt động trong không gian làm việc chung tại Trung tâm giới thiệu việc làm sinh viên, được tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, tham gia các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm...
Không khí làm việc tại cơ sở tranh gạo Tấn Bửu. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN |
Trong năm nay, ấp ủ lớn nhất của Tấn Bửu là đưa tranh gạo của mình lên các sản phẩm túi xách, bóp...thủ công 100% tự nhiên như: mây, tre, lá, lục bình... Tấn Bửu chia sẻ: Đây là ý tưởng em nhen nhóm khi tiếp xúc với các đoàn khách nước ngoài, họ rất hào hứng với tranh gạo, nhưng lại không thích tranh gạo được đính lên các sản phẩm từ da. Thay vào đó phải là những sản phẩm hoàn toàn tự nhiên. Sau thời gian sử dụng, sản phẩm sẽ tự phân hủy, đảm bảo thân thiện với môi trường. Nàng xuân đã đến, ý xuân tràn lan mọi nẻo đường, chúc cho ước mơ, hoài bão của chàng sinh viên trẻ khởi nghiệp Tấn Bửu về cơ hội mở rộng thị trường cho tranh gạo được thành công như mong đợi để từng khoảnh khắc xuân được đọng lại lâu hơn trên từng cánh hoa, nét chữ mà nhóm Tấn Bửu chuyển hồn qua từng hạt gạo mang nặng phù sa đất Tây Đô.
Ánh Tuyết