Chăm lo đời sống, giữ vững an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng

Nhiều năm qua, an ninh trật tự tại tỉnh Lâm Đồng, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn giữ vững ổn định. Đó là do đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao. Bởi vậy, các thế lực thù địch không thể xâm nhập để lôi kéo, kích động, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

vna_potal_lam_dong_ton_vinh_448_vi_dien_hinh_tien_tien_la_nguoi_co_uy_tin_dong_bao_dan_toc_thieu_so_7150387.jpg
Ngày 27/12/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ nhất năm 2021- 2023. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cho 8 vị có uy tín. Ảnh: Quốc Hùng - TTXVN

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2010-2020, Lâm Đồng ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, văn bản nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phù hợp điều kiện thực tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó chú trọng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó, vùng sâu, vùng xa, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa các địa phương.

Năm 2019, hộ nghèo toàn tỉnh còn 6.325 hộ, chiếm 1,85%, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 4.109 hộ. Năm 2020, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 4.488 hộ, trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 2.793 hộ. Đầu năm 2021, nghèo đa chiều (bao gồm hộ nghèo và cận nghèo) toàn tỉnh là 23.552 hộ, trong đó, nghèo đa chiều dân tộc thiểu số là 14.950 hộ. Đến cuối năm 2023, nghèo đa chiều giảm xuống còn 11.345 hộ, trong đó, nghèo đa chiều dân tộc thiểu số còn 7.125 hộ…

Tỉnh chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Việc triển khai cơ bản phù hợp tình hình thực tiễn; ưu tiên tập trung địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; linh hoạt chính sách, tăng tính chủ động cho hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số. Qua đó tạo chuyển biến tích cực của đại bộ phận nhân dân nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Giai đoạn 2019-2023, bình quân mỗi năm, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt từ 37.000-38.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số bình quân mỗi năm từ 9.800-10.000 người...

Thượng tá Hà Ngọc Viễn, Phó trưởng Phòng An ninh nội địa (Công an tỉnh Lâm Đồng) cho biết, những năm qua, tỉnh không để xảy ra điểm nóng về an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo. Các dân tộc cùng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số đã giảm mạnh. Người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng ngày càng cải thiện cũng là nguyên nhân khiến bà con không tin, không nghe theo kẻ xấu xúi giục, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và ảnh hưởng tới an ninh trật tự…

Ông Ya Gương, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đánh giá, trong 5 năm qua (từ 2019-2024), ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có thay đổi, nhiều nơi sản xuất nông nghiệp theo công nghệ hiện đại như, nhà kính, nhà lưới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng như huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng.

Tại thôn Kao Kuil, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh có gia đình ông K’Brel đã áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên cây trồng rất phát triển, cho năng suất cao. Gia đình ông chỉ có 2ha cà phê (trong đó có một số diện tích chưa cho quả) nhưng sản lượng bình quân đạt khoảng 6 tấn cà phê nhân/năm. Nhà ông còn cấy 8 sào lúa, cho thu hoạch khoảng 3,5 tấn thóc/vụ cùng chăn nuôi bò sữa, các loại gia súc, gia cầm khác, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Tại xã Lát, huyện Lạc Dương, chị Cơliêng Rolan, người K’Ho đã khởi nghiệp thành công với hạt cà phê Arabica và xây dựng thương hiệu "K’Ho Coffee". Còn tại xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, anh Lơ Mu Ha Pol trồng cà phê, chuối tiêu, dâu và trồng xen bơ 034, bơ Booth, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng...

Trước đây, ở những địa phương nêu trên, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu trồng lúa, bắp nhưng hiện nay đã chuyển đổi sang hoa, rau công nghệ cao, mang lại giá trị kinh tế cao... Đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Lâm Đồng không còn hình ảnh "con trâu đi trước, cái cày đi sau", ông Ya Gương, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng nhận định...

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm