Tham dự tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả mà VRG đã đạt được trong năm 2016.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Tuy nhiên, để ngành cao su phát triển bền vững trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị VRG cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Công ty mẹ Tập đoàn và các công ty con cũng như các đơn vị sự nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho các tập thể thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Đồng thời, tiếp tục thoái vốn ở một số công ty ngoài ngành chính; sắp xếp lại cổ đông ở các công ty thuộc ngành chính (theo Nghị định 91 và Luật Doanh nghiệp 2014). Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác, mở thêm thị trường mới, đặc biệt là tăng cường tỷ lệ bán cho các đơn vị trực tiếp sản xuất cả trong và ngoài nước, ngành cao su cần có giải pháp tiết kiệm chi phí để hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho các tập thể thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Để nâng cao giá trị của ngành cao su, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng lưu ý VRG cần tăng cường hơn nữa việc chế biến các sản phẩm công nghiệp cao su, gỗ cao su nhằm giảm xuất thô. Các công ty chế biến gỗ xem xét việc tăng lượng gỗ ghép tấm để thuận tiện hơn và tăng giá trị trong xuất khẩu; các nhà máy MDF tận dụng thời cơ giá nguyên liệu giảm để khai thác hết công suất, giảm tỷ lệ phế phẩm để tăng hiệu quả và gia tăng thị phần.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì và Ba cho các tập thể thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Theo ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG, năm 2016 là năm khó khăn nhất của ngành nông nghiệp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Riêng ngành cao su còn chịu tác động lớn do nguồn cung cao su thế giới khá cao, giá cao su thiên nhiên còn trên đà suy giảm, giá dầu mỏ có nhiều biến động … Tuy nhiên, do đã nhận định, dự báo trước những tình hình trên, nên ngay từ đầu năm 2016, Ban lãnh đạo VRG đã chủ động đề ra các định hướng, giải pháp phù hợp trong điều hành, quản lý.
Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trao Cờ Thi đua của ngành cho các tập thể đạt thành tích trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh trong năm 2016. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Đặc biệt, năm 2016, VRG đã tập trung vào tái cơ cấu ngành. Cụ thể, triệt để tiết giảm suất đầu tư theo vùng miền; tập trung xen canh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tiết giảm chi phí để giảm giá thành; tái cơ cấu lao động kết hợp với điều chỉnh chế độ khai thác mủ; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất; tập trung nâng cao chất lượng vườn cây…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn trao Cờ Thi đua của Bộ cho các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh trong năm 2016. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Nhờ những biện pháp này đã góp phần nâng tổng doanh thu của VRG trong năm 2016 tăng 14,4% so với kế hoạch, ước đạt 15.401 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 2.366 tỷ đồng, tăng 51% so với kế hoạch; trong đó, lợi nhuận cao su là 378,1 tỷ đồng, lợi nhuận ngành gỗ 418,1 tỷ đồng, lợi nhuận khu công nghiệp 166,3 tỷ đồng và lợi nhuận khối thủy điện 73 tỷ đồng. VRG nộp ngân sách ước khoảng 1.150 tỷ đồng trong năm 2016, tăng 39,9%. Mặc dù trong năm 2017 ngành cao su được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là diễn biến khí hậu ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, VRG vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận dự kiến đạt 4.180 tỷ đồng, tăng 47% so với ước thực hiện 2016./.
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN