Cán bộ Đồn Biên phòng Tổng Cọt hướng dẫn 2 cháu Hoàng Văn Thơm, Vương Văn Trần học bài |
Người con của Bộ đội Biên phòng
Gần 2 năm nay, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tổng Cọt đã quen với sự có mặt của 2 “chiến sỹ nhí” Hoàng Văn Thơm, Vương Văn Trần. 2 em hiện đang học lớp 7A, Trường THCS xã Tổng Cọt (huyện Hà Quảng); đều thuộc hộ nghèo, xóm sát biên giới. Cô giáo Nông Thị Lan Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A, Trường THCS xã Tổng Cọt vui mừng chia sẻ: Trước đây, nhà xa trường, những hôm trời mưa hay giá lạnh, Thơm và Trần phải nghỉ học, kết quả chuyên cần và học tập chưa đạt như mong muốn. Từ khi được BĐBP đưa về ăn ở, sinh hoạt tại Đồn Biên phòng Tổng Cọt; được các thầy cô giáo quan tâm, giáo dục, từ chỗ còn nhút nhát, các em tự tin hơn, dần trở thành những thành viên tích cực của lớp, của trường. Chia sẻ với chúng tôi, cả Thơm và Trần đều cho biết, thời gian đầu, khi mới về Đồn mọi thứ đối với các em đều rất lạ lẫm do phải làm quen với môi trường sinh hoạt tập thể nền nếp, kỷ luật trong Quân đội nhưng dần dần các em đã thích nghi. Đến nay, cả 2 em đều xem Đồn Biên phòng như “ngôi nhà thứ 2”, các chú bộ đội như người thân trong gia đình của mình. Thơm tâm sự: “Em rất may mắn vì được sống, sinh hoạt, học tập ở Đồn Biên phòng. Từ ngày vào đây, em đã học được rất nhiều từ những việc nhỏ nhất như cách gấp chăn màn cho vuông vắn, thức dậy vào buổi sáng đúng giờ cho đến tinh thần rèn luyện tự nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống”. Trong khi đó, Trần chia sẻ: “Các chú BĐBP trong Đồn rất thân thiết, gần gũi, thường xuyên khích lệ, động viên chúng em nỗ lực hơn nữa trong học tập. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này trở thành người lính Biên phòng”.
Còn đối với Lý Thị Thu Phương, học sinh lớp 8B, Trường THCS xã Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh), gia đình thuộc diện nghèo, em gái bị hở hàm ếch phải chạy chữa nhiều nơi; được BĐBP Đồn Ngọc Côn giúp đỡ là cơ hội, động lực để em tiếp tục cố gắng trong học tập. Ông Lý Xuân Các, ông nội của em Phương xúc động: Hằng tháng, cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Ngọc Côn đến gia đình trao quà, động viên, nhắc nhở cháu Phương học tập. Có sự giúp đỡ của BĐBP, cháu Phương có điều kiện học tập tốt hơn; gia đình cảm ơn bộ đội nhiều lắm.
Chương trình “Nâng bước em đến trường” là một hoạt động giàu tính nhân văn, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó với nhân dân của những người lính mang quân hàm xanh. Số tiền hỗ trợ mỗi em hằng tháng tuy giá trị không lớn nhưng chứa đựng biết bao tình cảm của BĐBP dành cho học trò nghèo vùng biên giới để tiếp thêm niềm hy vọng, khích lệ, động viên các em đến trường thực hiện ước mơ. Đây cũng là động lực không nhỏ để các em phấn đấu học tập trở thành người có ích cho xã hội, từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Cũng thông qua chương trình này, những người lính Biên phòng còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân vùng biên giới, khích lệ bà con quan tâm hơn tới việc học tập của con em mình.
Lan tỏa giá trị nhân văn cao cả
Nhằm giúp các học sinh có hoàn cảnh khó khăn nơi biên giới thực hiện ước mơ đến trường, từ tháng 6/2014, BĐBP tỉnh thực hiện chương trình “Nâng bước em đến trường”. Để thực hiện chương trình có hiệu quả, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi cán bộ, chiến sỹ thấy rõ được ý nghĩa nhân văn của chương trình; nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, cùng chung tay góp sức giúp các học sinh nghèo vượt khó. Cán bộ, chiến sỹ nhiệt tình hưởng ứng tham gia thực hiện chương trình và lập quỹ tiết kiệm “Nâng bước em đến trường” với phương châm “Chỉ với 1.000 đồng/ngày, bạn đã nâng bước được nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục tới trường”.
Từ nguồn quỹ thu được, đại diện chỉ huy các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền, nhà trường trên địa bàn thống nhất lựa chọn các em có hoàn cảnh khó khăn, biết vươn lên trong học tập, trực tiếp đỡ đầu các em với mức hỗ trợ ít nhất 500.000 đồng/em/tháng; đồng thời gặp gỡ, trao đổi với gia đình, phụ huynh học sinh, nhà trường quan tâm tạo điều kiện để các em được tới trường thường xuyên. Đặc biệt, 2 đồn Biên phòng Xuân Trường, Tổng Cọt không chỉ nhận đỡ đầu mà còn đưa các cháu về đơn vị nuôi ăn học, như những người cha, người mẹ đưa đón các con tới trường, đi họp phụ huynh và chỉ dạy cách giao tiếp, ứng xử hằng ngày... Các em được nhận đỡ đầu đã vững tâm, vững bước tới trường nhờ tấm lòng yêu thương, đùm bọc của những người lính quân hàm xanh.Để trao thêm cơ hội đến trường cho học sinh nghèo, làm lan tỏa những giá trị nhân văn cao cả, từ tháng 2/2016, các đơn vị BĐBP toàn tỉnh tiếp tục đăng ký nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, mỗi Đồn Biên phòng nhận đỡ đầu 2 em; các đồng chí lãnh đạo trong Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, mỗi đồng chí nhận đỡ đầu 2 em và mỗi phòng, ban thuộc Bộ Chỉ huy nhận đỡ đầu 2 em. Đại tá Trần Ngọc Thanh, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Bằng việc tiết kiệm tiền lương, phụ cấp, tăng gia sản xuất, lao động gây quỹ, huy động các nguồn tài trợ…, các đơn vị, cá nhân sẽ nhận đỡ đầu hằng tháng cho học sinh đến khi các em hoàn thành chương trình THPT. Đến nay, toàn lực lượng BĐBP đã nhận đỡ đầu 62 học sinh ở khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực trong học tập; tổng giá trị đã hỗ trợ 370 triệu đồng. Ngoài ra, cán bộ, chiến sỹ còn trích tiền lương, phụ cấp, vận động các nhà hảo tâm tặng sách vở, đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt cho học sinh các trường ở khu vực đơn vị phụ trách.
Con đường tới trường hôm nay của học sinh dân tộc thiểu số không còn là rừng thẳm, suối sâu, mà được trải rộng thênh thang bằng tình yêu thương, đùm bọc của cộng đồng và người lính Biên phòng. Từ những cái nắm tay, dìu dắt những “bước đi” đầu tiên ấy, sẽ là nền tảng vững chắc để trong tương lai, những đứa con này sẽ trở thành lớp kế cận, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Để trên những nẻo đường, bản làng vùng biên giới xa xôi, hình ảnh những người lính mang quân hàm xanh càng trở nên gần gũi và thân thương.
Báo Cao Bằng